Thứ năm, 10/10/2019 13:41

Dự báo tác động của chuyển đổi số tới kết quả sản xuất - kinh doanh của 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

PGS.TS Vũ Minh Khương

 

Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore

 

Tốc độ tăng trưởng của 500 doanh nghiệp lớn nhất luôn là một chỉ báo quan trọng về tiềm năng phát triển và sức cạnh tranh của một quốc gia. Thêm vào đó, mức đóng góp của chuyển đổi số vào tăng trưởng của các doanh nghiệp này còn là thước đo rất ý nghĩa về nỗ lực nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 của toàn bộ nền kinh tế và khả năng thích ứng với đổi thay của nó trong chặng đường phía trước. Bài viết sử dụng số liệu về 500 doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam (VN500) được cung cấp bởi Công ty Cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (VNR) [1] để dự báo giá trị mà các doanh nghiệp này có thể tạo ra thêm từ công cuộc chuyển đổi số của họ.

VN500 trong cái nhìn tổng quan về phân bố tăng trưởng

VN500 nằm trong cả 4 lĩnh vực kinh tế: công nghiệp chế biến, chế tạo (CN); dịch vụ (DV); nông - lâm - thủy sản (NLT); và xây dựng (XD). Trong đó, 2 lĩnh vực kinh tế CN và DV chiếm tuyệt đại đa số, với xu thế tăng nhanh của số doanh nghiệp trong lĩnh vực CN trong giai đoạn 2011-2017 (bảng 1).

Bảng 1. Phân bố VN500 theo ngành kinh tế 2011-2017.

 

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Số doanh nghiệp

Tổng số

500

500

500

500

500

500

500

CN

238

268

275

275

274

276

285

DV

250

222

216

208

208

210

208

NLT

4

3

2

1

3

1

1

XD

8

7

7

16

15

13

6

Tỷ lệ phân bố (%)

Tổng số

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

CN

47,6

53,6

55,0

55,0

54,8

55,2

57,0

DV

50,0

44,4

43,2

41,6

41,6

42,0

41,6

NLT

0,8

0,6

0,4

0,2

0,6

0,2

0,2

XD

1,6

1,4

1,4

3,2

3,0

2,6

1,2

Nguồn: VNR [1].

 

VN500 đã tăng nhanh cả về giá trị tài sản và kết quả sản xuất - kinh doanh (SX-KD). Bảng 2 cho thấy, trong giai đoạn 2011-2017, VN500 có tổng tài sản tăng bình quân hàng năm là 13,8%, tổng doanh thu tăng 11,7%, lợi nhuận sau thuế tăng 19,6%, tổng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tăng 7,4%. Trong đó, đóng góp của khu vực CN tăng nhanh nhất trên 3 chỉ số: tổng tài sản (15,7%), tổng doanh thu (17,8%), và lợi nhuận sau thuế (21,2%). Tuy nhiên, về tổng nộp NSNN, khu vực CN tăng chậm hơn nhiều so với DV và XD (5,1% so với 11,3% và 30,1%). Nhịp độ tăng chậm hơn trong nộp ngân sách của khu vực CN có lẽ chủ yếu là do sự tăng trưởng chậm lại của ngành khai khoáng (đặc biệt là tập đoàn dầu khí); trong khi nhiều doanh nghiệp CN ở khu vực chế tạo là đầu tư nước ngoài (được hưởng nhiều ưu đãi về thuế).

Bảng 2. Tài sản, kết quả SX-KD của VN500 theo ngành kinh tế và tăng trưởng bình quân (CARG) 2011-2017.

                                                                Đơn vị: tỷ USD (tỷ giá 1 USD=22.000 đồng)

Ngành kinh tế

Tổng tài sản

Tổng doanh thu

Lợi nhuận sau thuế

Tổng nộp NSNN

2011

2017

CARG

2011

2017

CARG

2011

2017

CARG

2011

2017

CARG

Tổng số

260,0

565,1

13,8%

181,1

352,0

11,7%

7,3

21,4

19,6%

12,4

21,4

7,4%

CN

66,5

159,4

15,7%

81,1

216,9

17,8%

4,3

13,6

21,2%

8,2

13,6

5,1%

DV

190,3

403,7

13,4%

97,9

131,5

5,0%

2,7

7,6

18,6%

4,0

7,6

11,3%

NLT

0,63

0,06

-31,9%

0,60

0,29

-11,3%

0,22

0,03

-28,1%

0,07

0,03

-15,0%

XD

2,60

2,02

-4,1%

1,48

3,32

14,4%

0,08

0,13

9,1%

0,03

0,13

30,1%

Nguồn: VNR [1].

.

 

Như vậy, khu vực DV tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn nhất về tổng tài sản trong cả năm 2011 và 2017, trong khi khu vực CN chiếm tỷ trọng chủ đạo trong cả 3 chỉ số (kết quả SX-KD, doanh thu, lợi nhuận sau thuế và tổng nộp ngân sách). Xét về tỷ trọng so với GDP, VN500 năm 2017 chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với năm 2011 về tổng tài sản, doanh thu, và lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, tỷ trọng của tổng đóng góp cho NSNN lại giảm từ  9,8 xuống 8,4% (bảng 3).

Bảng 3. Tỷ trọng của VN500 so với GDP.

Năm

Tổng tài sản

Tổng doanh thu

Lợi nhuận sau thuế

Tổng nộp NSNN

2011

205,8%

143,3%

5,8%

9,8%

2017

248,4%

154,7%

9,4%

8,3%

Nguồn: VNR [1].

Tác động của cuộc cách mạng thông tin và truyền thông (ICT) tới tăng trưởng kinh tế và hiệu quả SX-KD của VN500

Cuộc cách mạng thông tin diễn ra trong mấy thập kỷ qua đã và đang tạo nên những chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội. Đặc biệt nó đã, đang và sẽ đem lại những đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và hiệu quả SX-KD của doanh nghiệp nói chung và VN500 nói riêng. Trên tổng thể nền kinh tế, cuộc cách mạng thông tin ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế qua 5 kênh chính:

Thứ nhất, nó giúp tăng hiệu quả vận hành trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong sản xuất, dịch vụ thương mại và dịch vụ công. Trong đó, dịch vụ trực tuyến, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo là các ứng dụng hàng đầu.

Thứ hai, tăng mạnh mẽ khối lượng và chất lượng thông tin, khả năng giao tiếp, liên lạc giúp làm minh bạch hơn trên mọi lĩnh vực (từ chất lượng môi trường đến cảm nhận của người dân). Do đó, mọi hoạt động được giám sát, phối hợp và xử lý kịp thời hơn, nhờ đó giúp tăng trưởng bền vững hơn.

Thứ ba, giúp doanh nghiệp và mọi người dân tăng vượt bậc khả năng tiếp cận tới tri thức toàn cầu và chia sẻ ý tưởng nhanh chóng, kịp thời. Tiến bộ này thúc đẩy học hỏi và sáng tạo, động lực chủ đạo của tăng trưởng.

Thứ tư, giúp tạo ra nền kinh tế chia sẻ và cộng đồng. Nguồn lực từ mọi ngõ ngách của cuộc sống xã hội được gắn kết với nhu cầu xã hội. Cả cung và cầu đều tăng mạnh với số lượng dồi dào và chất lượng phong phú hơn. Uber, AirB&B, Crowdfunding là những ví dụ điển hình. Theo kênh này, tăng trưởng được tạo ra từ khai thác hiệu quả tác động cộng hưởng.

Thứ năm, giúp nâng cao chất lượng ra quyết định, đặc biệt trong phân bổ nguồn lực. Theo kênh này, tăng trưởng được tạo ra từ tăng hiệu quả đầu tư phát triển.

Trên thực tế, ICT đã trở thành một nguồn tăng trưởng quan trọng cho GDP của nhiều nước, trong đó có các nước ASEAN. Từ số liệu thống kê tổng hợp của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) [2], ước tính từ phương pháp kế toán tăng trưởng cho thấy, ICT đóng góp từ 0,5 điểm % tới 1,6 điểm % vào tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2000-2016 (bảng 4).

Bảng 4. Nguồn tăng trưởng GDP của các nước ASEAN, 2000-2016.

Quốc gia

Tăng trưởng GDP

Đóng góp của ICT và các nguồn lực khác

Lao động

Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP)

Tổng

ICT

Nguồn lực khác

2000-2016

Indonesia

5,2%

3,9%

0,5%

3,4%

0,7%

0,6%

Malaysia

5,0%

3,7%

1,6%

2,1%

0,9%

0,4%

Philippines

5,1%

2,5%

0,4%

2,1%

0,8%

1,8%

Singapore

5,0%

2,9%

0,7%

2,2%

1,4%

0,7%

Thailand

3,9%

1,7%

0,5%

1,2%

0,3%

1,9%

Vietnam

6,6%

6,1%

0,7%

5,4%

0,6%

-0,1%

2000-2010

Indonesia

5,1%

3,4%

0,4%

3,0%

0,7%

1,0%

Malaysia

5,1%

3,6%

1,6%

2,0%

0,9%

0,6%

Philippines

4,7%

2,4%

0,4%

2,0%

0,8%

1,5%

Singapore

5,6%

2,7%

0,6%

2,1%

1,6%

1,3%

Thailand

4,5%

1,5%

0,4%

1,1%

0,5%

2,5%

Vietnam

7,1%

6,7%

0,5%

6,2%

0,8%

-0,4%

2010-2016

Indonesia

5,3%

4,7%

0,7%

4,0%

0,6%

0,0%

Malaysia

5,0%

3,9%

1,6%

2,3%

1,1%

0,0%

Philippines

5,9%

2,7%

0,4%

2,3%

0,8%

2,4%

Singapore

3,9%

3,2%

0,9%

2,2%

1,1%

-0,4%

Thailand

3,0%

2,0%

0,7%

1,3%

-0,2%

1,2%

Vietnam

5,9%

5,0%

0,9%

4,1%

0,5%

0,4%

Nguồn: APO (2019) [2].

Với Việt Nam, đóng góp của ICT vào tăng trưởng GDP thể hiện rõ xu thế tăng cả về lượng và chất. Lượng đóng góp trực tiếp tăng trưởng của ICT vào GDP tăng từ 0,5 điểm % (giai đoạn 2000-2010) lên 0,9 điểm % (giai đoạn 2010-2016); trong khi tăng trưởng TFP (trong đó ICT được coi là có đóng góp gián tiếp) chuyển từ -0,4% sang +0,4% (bảng 4).

Tác động của chuyển đổi số tới hiệu quả SX-KD của VN500

Chuyển đổi số có tác động quan trọng tới nâng cao hiệu quả SX-KD của các doanh nghiệp. Các DN bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số theo năm hướng chủ đạo, đó là: (i) số hóa các sản phẩm và dịch vụ, (ii) số hóa tiếp thị và kênh phân phối, (iii) số hóa hệ sinh thái, (iv) số hóa quy trình sản xuất và (v) số hóa chuỗi cung ứng. Từ khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp toàn cầu, Công ty tư vấn McKinsey (Mỹ) đưa ra ước tính cho thấy rằng, đóng góp của chuyển đổi số vào tăng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp là rất đáng kể nhưng nó tùy thuộc vào độ sâu và toàn diện của nỗ lực chuyển đổi số. Với nỗ lực chuyển đổi số toàn diện, một doanh nghiệp điển hình có thể tăng doanh số thêm 11,2% và lợi nhuận gộp (EBIT) lên 7,3%.

Dựa trên ước tính của McKinsey (2018), ta có thể xây dựng 3 kịch bản về tác động của chuyển đổi số tới hiệu quả SX-KD của VN500:

- Kịch bản 1: nỗ lực chuyển đổi số của VN500 ở mức như hiện nay, đạt khoảng 10% yêu cầu so với mức đáp ứng toàn diện.

- Kịch bản 2: nỗ lực chuyển đổi số của VN500 ở mức cao hơn hẳn hiện nay, đạt khoảng 20% yêu cầu so với mức đáp ứng toàn diện.

- Kịch bản 3: nỗ lực chuyển đổi số của VN500 chuyển biến vượt bậc, đạt khoảng 50% yêu cầu so với mức đáp ứng toàn diện.

Theo 3 kịch bản nêu trên, đóng góp của chuyển đổi số vào kết quả kinh doanh của VN500 được ước tính trong bảng 5. Với nỗ lực vượt bậc trong công cuộc chuyển đổi số (Kịch bản 3), VN500 sẽ tăng doanh thu thêm 5,6% và lợi nhuận tăng 3,65%. Nhờ đó, đóng góp vào tăng trưởng GDP thêm 1,3 điểm % với giá trị là 3,16 tỷ USD. Điều cần nhấn mạnh thêm là, ước tính này giả định VN500 chưa đầu tư gì thêm. Do vậy, nếu chuyển đổi số khi đi cùng các nỗ lực đầu tư phát triển khác sẽ tạo ra hiệu quả còn lớn hơn nhiều.

Bảng 5. Đóng góp ước tính của chuyển đổi số vào tăng hiệu quả SX-KD và đóng góp vào tăng trưởng GDP của VN500.

 

Mức nỗ lực cho chuyển

đổi số

Tăng doanh thu

(g1)

Tăng lợi nhuận

(g2)

Đóng góp vào tăng trưởng GDP (C)

 

Ước tính tổng giá trị tăng thêm

(tỷ USD)

Kịch bản 1

10%

1,12%

0,73%

0,26%

0,63

Kịch bản 2

20%

2,24%

1,46%

0,52%

1,26

Kịch bản 3

50%

5,60%

3,65%

1,30%

3,16

Nguồn: ước tính của tác giả dựa trên số liệu từ VNR.

Ghi chú: công thức ước tính đóng góp của chuyển đổi số vào GDP tối thiểu là C=7,5%*g1*DT+g2*(LNST+NSNN); trong đó DT, LNST, và NSNN tương ứng là tỷ trọng so với GDP của doanh thu, lợi nhuận sau thuế và tổng nộp ngân sách năm 2017. Trong công thức này, tác giả ước tính chi phí nhân công và khấu hao thiết bị chiếm 7,5% tổng doanh thu.

*

*       *

Tóm lại, bản thân VN500 có vai trò rất quan trọng trong việc đóng góp vào nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp này tích cực chuyển đổi số sẽ không những giúp mang lại lợi nhuận tăng thêm cho chính doanh nghiệp mà còn đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của GDP. Theo một cách ước tính đơn giản, nỗ lực chuyển đổi số của VN500 có thể giúp GDP tăng thêm 0,26-1,3 điểm %. Đóng góp này còn lớn hơn nữa nếu nỗ lực chuyển đổi số của VN500 có những bước đột phá trong thời gian tới.

Chính phủ có thể thúc đẩy nỗ lực chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, đặc biệt là VN500 theo khung chính sách chiến lược SMART [3, 4]:

S = Strategic roadmap: có lộ trình chiến lược rõ ràng và cụ thể về các mục tiêu cần đạt được trong chuyển đổi số của từng năm và 5 năm tới.

M = Monitoring: có bộ chỉ số chi tiết đánh giá kết quả đạt được trong nỗ lực chuyển đổi số cho từng năm ở mỗi doanh nghiệp và cho cả khối VN500.

A = Accountability: cần lập ra ban chỉ đạo chịu trách nhiệm về tiến bộ của nỗ lực chuyển đổi số. Ban chỉ đạo này bao gồm đại diện Chính phủ, VN500 và chuyên gia chuyển đổi số.

R = Rethinking: cần thôi thúc các doanh nghiệp và cơ quan chính quyền thay đổi cách nghĩ trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.

 T = Trust building: xây dựng lòng tin giữa doanh nghiệp, trong đó có VN500 và các cơ quan công quyền. Chính phủ cần có một quỹ để thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số và hợp tác với nhau trong nỗ lực học hỏi lẫn nhau và từ kinh nghiệm hay nhất của quốc tế về lĩnh vực quan trọng này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] http://vnr500.com.vn.

[2] https://www.apo-tokyo.org.

[3] K. Vu (2017), “ICT Diffusion and Production in ASEAN Countries: Patterns, Performance, and Policy Directions”, Telecommunications Policy, 41(10), pp.964-980.

[4] K. Vu and K. Hartley (2018),  “Promoting Smart Cities in Developing Countries: Policy Insights from Vietnam”, Telecommunications

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)