Ngày nhận bài: 01/01/0001; ngày chuyển phản biện: 01/01/0001; ngày nhận phản biện: 01/01/0001; ngày chấp nhận đăng: 01/01/0001
Tóm tắt:
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá kết quả bước đầu làm giảm thể tích phổi điều trị khí thũng phổi nặng ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) bằng phương pháp đặt van phế quản một chiều qua nội soi phế quản ống mềm. Nghiên cứu tiến hành trên 20 bệnh nhân BPTNMT giai đoạn ổn định có khí thũng phổi nặng khu trú. Toàn bộ bệnh nhân được chụp CT ngực, đo FEV1, RV, TLC, Raw và khí máu động mạch trước và sau khi đặt van. Van 1 chiều loại Zephyr được đặt vào phế quản thùy hoặc phân thùy qua nội soi phế quản ống mềm. Kết quả: test đi bộ 6 phút sau đặt van 1 tháng tăng lên so với trước khi đặt van (trước đặt van: 305,6±53,29m, sau đặt van: 339,4±59,91m). Chỉ số CAT giảm rõ rệt so với trước điều trị (trước điều trị: 22,86±1,34, sau điều trị: 20,89±2,12); FVC trung bình sau 3 tháng là 70,07± 30,29%, tăng rõ rệt với trước điều trị (60,06±8,17%). Raw trung bình sau 1 tháng là 654,1±347,8%, giảm rõ rệt so với trước điều trị (714±320,79%). Tỷ lệ biến chứng sau đặt van là 70%, trong đó bùng phát đợt cấp là 20%, sốt 10%, nhưng không có biến chứng nặng. Kết luận: phương pháp đặt van phế quản một chiều qua nội soi phế quản ống mềm làm giảm thể tích phổi có hiệu quả, cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống, chức năng phổi của bệnh nhân khí thũng phổi và là kỹ thuật an toàn.