Nguyễn Hữu Quang1*, Lê Văn Sơn1, Huỳnh Thị Thu Hương1, Nguyễn Hồng Phan2, Nguyễn Trọng Oánh3, Lưu Hữu Phi3
*Tác giả liên hệ: Email: quangnh@canti.vn
1Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
2Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
3Công ty Cổ phần thủy điện DHD, Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Ngày nhận bài: 01/12/2017; ngày chuyển phản biện: 06/12/2017; ngày nhận phản biện: 08/01/2018; ngày chấp nhận đăng: 22/01/2018
Tóm tắt:
Đập được xây dựng để ngăn nước cho các công trình thủy điện và hồ chứa thủy lợi. Theo thống kê của Hội Đập lớn (ICOLD) cho 900 trường hợp hư hỏng đập trên toàn thế giới (trừ Trung Quốc) thì 66% trường hợp xảy ra với đập đất, trong đó gần một nửa (46%) số hư hỏng là do xói mòn ngầm trong thân và nền đập. Mặc dù trên các đập có các hệ thống quan trắc, từ loại dùng kỹ thuật truyền thống như ống piezo đến các kỹ thuật hiện đại dùng cảm biến áp suất, điện trở và nhiệt độ… Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp rò rỉ lại được phát hiện bằng quan sát trực tiếp do hiện tượng rò rỉ ban đầu thường xảy ra ở phạm vi khá hẹp so với tầm kiểm soát của lưới quan trắc. Khi phát hiện hiện tượng thấm rò, bên cạnh quan trắc diễn tiến của lưu lượng thấm và mức độ tải theo bùn cát của dòng rò thì đánh giá độ thấm hay độ dẫn thủy lực của vùng thấm rò và diễn tiến của các thông số này theo thời gian là yêu cầu thực tế giúp đánh giá ảnh hưởng của hiện tượng rò đến an toàn của đập. Kỹ thuật đánh dấu là phương pháp khảo sát trên thực địa cho phép xác định thời gian di chuyển, tốc độ di chuyển của dòng rò, độ dẫn thủy lực và thể tích của vùng có dòng thấm rò qua đập, là những thông số thủy động học quan trọng của hiện tượng rò rỉ.
Bài báo trình bày những kết quả bước đầu thử nghiệm ứng dụng kỹ thuật đánh dấu để định vị lối vào của dòng rò ở mái thượng lưu (phía hồ), xác định thời gian di chuyển, vận tốc thấm trung bình, độ dẫn thủy lực và thể tích bão hòa nước của vùng có dòng thấm rò qua thân đập thủy điện HT.