Chu Xuân Quang, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Sáng, Bùi Thị Thủy Ngân, Thái Thị Xuân Trang, Tưởng Thị Nguyệt Ánh, Trần Hùng Thuận*
Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
Ngày nhận bài: 06/09/2018; ngày chuyển phản biện: 10/09/2018; ngày nhận phản biện: 08/10/2018; ngày chấp nhận đăng: 12/10/2018
Tóm tắt:
Trong nghiên cứu này, phương pháp đông tụ đảo pha đã được áp dụng để chế tạo màng lọc polyme poly(etesunphon) (PES) dạng sợi rỗng. Ảnh hưởng của nồng độ PES đến tính chất cơ lý và năng suất lọc của màng lọc đã được khảo sát. Kết quả cho thấy, độ nhớt của dung dịch phối liệu tăng dần từ 119 mPa.s lên đến 1.300 mPa.s khi tăng nồng độ PES trong khoảng nghiên cứu (15-22%). Độ bền kéo của màng lọc chế tạo được có xu hướng tăng (từ 3,63 MPa lên đến 5,56 MPa) khi độ nhớt của dung dịch phối liệu tăng. Trong khi đó, năng suất lọc riêng phần của màng lọc lại có xu hướng giảm khi nồng độ PES tăng. Năng suất lọc riêng phần của màng lọc chế tạo từ dung dịch phối liệu có nồng độ PES 15% là 82,74 l/m2 .h.bar nhưng khi tăng hàm lượng PES lên 22% màng lọc gần như không có khả năng lọc. Ảnh hưởng của việc bổ sung thành phần chất phụ gia (từ 3-10% polyvinylpyrrolidone) nhằm tăng khả năng tạo lỗ xốp, qua đó giúp tăng năng suất lọc của màng lọc, cũng đã được nghiên cứu. Với hàm lượng chất phụ gia là l0%, năng suất lọc riêng phần của màng lọc tăng gấp 5 lần so với trường hợp không sử dụng chất phụ gia.