Lê Thị Nhi Công1*, Cung Thị Ngọc Mai1 , Vũ Thị Thanh1 , Đỗ Thị Tố Uyên1 , Nghiêm Ngọc Minh2
* Tác giả liên hệ: lenhicong@ibt.ac.vn
1 Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
2 Viện Nghiên cứu Hệ gen, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
Ngày nhận bài: 10/07/2015; ngày chuyển phản biện: 20/07/2015; ngày nhận phản biện: 18/08/2015; ngày chấp nhận đăng: 24/08/2015
Tóm tắt:
Trong tự nhiên, các nhóm vi sinh vật thường tồn tại ở dạng liên kết chặt chẽ với nhau trên các bề mặt chất rắn hoặc các lớp trung gian giữa các bề mặt lỏng và rắn. Tập hợp này được gọi là màng sinh học (biofilm). Màng sinh học thường được tạo thành nhờ lớp protein ngoại bào của các tế bào gắn kết vào nhau. Nhờ đó, các quá trình chuyển hóa các thành phần cho các tế bào khác nhau được dễ dàng hơn, giúp cho các vi sinh vật chống chịu tốt hơn với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường sống cũng như vi môi trường giữa các tế bào. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tập trung vào các màng sinh học được tạo thành bởi hỗn hợp các chủng vi khuẩn và nấm men được gắn trên giá thể xơ dừa. Xơ dừa được sử dụng vừa là chất hấp phụ, vừa là giá thể sinh học cho các chủng vi sinh vật bám vào. Mật độ vi sinh vật có trên 1 cm3 xơ dừa được duy trì khá ổn định với mật độ ban đầu là 4,3 x 1010CFU và sau 7 ngày là 4,5 x 109 CFU. Hiệu quả phân hủy các thành phần hydrocarbon khó phân hủy có trong nước thải nhiễm dầu nhờ hệ thống màng sinh học từ vi sinh vật gắn trên xơ dừa sau 7 ngày thử nghiệm là rất đáng kể. Các giá trị như pH, hàm lượng dầu tổng số và các thành phần hydrocarbon đa vòng (PAHs-polycyclic aromatic hydrocarbons) đã giảm trên 99% và đạt tiêu chuẩn nước thải loại B của Việt Nam. Kết quả này mở ra khả năng ứng dụng các chất mang sinh học có chứa các nhóm vi sinh vật tạo màng sinh học để tăng cường hiệu quả phân hủy sinh học các hợp chất hydrocarbon gây ô nhiễm như dầu thô.