Thứ hai, 09/12/2024 07:45

Thúc đẩy đổi mới Sáng tạo và hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Nhật Bản

Trong hai ngày 7 và 8/12/2024, tại Nhật Bản, Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) đã tổ chức thành công Hội nghị Khoa học VANJ 2024 tại Đại học Tokyo (trực tiếp kết hợp trực tuyến). Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 500 nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức công nghệ đến từ Việt Nam, Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là nơi giao lưu của các sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập và làm việc tại Việt Nam và Nhật Bản.

Kể từ năm 2016, Hội nghị Khoa học VANJ đã trở thành sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy giao lưu, học hỏi và hợp tác khoa học giữa Việt Nam, Nhật Bản và cộng đồng nghiên cứu quốc tế. Chủ đề của hội nghị năm nay là “Đổi mới sáng tạo thúc đẩy xã hội phát triển bền vững”, với ba phiên toàn thể và 12 phiên thảo luận chuyên sâu.

Hội nghị tập trung vào các giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết các thách thức toàn cầu. Nhiều nội dung nổi bật đã được chia sẻ như: ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ lượng tử trong khoa học vật liệu, môi trường và y sinh học. Các vấn đề thực tiễn như sức khỏe phụ nữ, già hóa dân số và tự động hóa trong xây dựng cũng được thảo luận chuyên sâu, nhấn mạnh vai trò của hợp tác liên ngành và quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển bền vững.

Đặc biệt, Hội nghị vinh dự có sự tham gia của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân -  Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ và TS Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, cùng hơn 70 giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Các phiên thuyết trình diễn ra trong không khí sôi nổi, với những phần chia sẻ tâm huyết từ các diễn giả và phản biện, mang lại những góc nhìn mới và thúc đẩy sự tương tác mạnh mẽ giữa người tham dự.

Nhân dịp này, Tuyển tập Khoa học Công nghệ Nhật Bản số thứ hai đã được chính thức ra mắt. Tuyển tập bao gồm 23 bài viết thuộc 11 lĩnh vực đa dạng như xây dựng, kiến trúc, năng lượng, nông nghiệp, y sinh và chính sách, với sự đóng góp của 43 tác giả từ nhiều chuyên ngành. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc kết nối tri thức và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Mạng lưới Học thuật người Việt ở Nhật Bản là biểu hiện của lòng yêu nước, vượt ra ngoài giới hạn địa lý để giữ gìn sự gắn bó giữa những người con xa quê. Trong khi nhiều dân tộc khác có thể gắn bó với nhau qua hoạt động làm ăn kinh tế, thì sự gắn bó trong lĩnh vực khoa học lại mang một giá trị đặc biệt. Nó không chỉ giúp các nhà khoa học trao đổi thông tin, hiểu biết lẫn nhau về các lĩnh vực nghiên cứu, mà còn tạo điều kiện chia sẻ các cơ sở thí nghiệm để khai thác, cũng như tìm kiếm sự tư vấn từ những người thầy có kinh nghiệm. Đồng thời, việc chọn lọc và chuyển giao những kết quả nghiên cứu tốt nhất từ Nhật Bản về trong nước thông qua các ấn phẩm hằng năm cũng góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, giảng dạy, và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội nghị, GS Masayuki Shimada - Trường Khoa học Đời sống, Đại học Hiroshima cho biết, đây là một hội nghị rất thú vị để chúng ta có dịp chia sẻ những nghiên cứu khoa học của mình cũng như chuyển giao công nghệ của Nhật Bản cho Việt Nam. Hội nghị đã quy tụ được rất nhiều nghiên cứu đến từ nhiều ngành. Điều quan trọng hơn là không chỉ chuyển giao công nghệ, mà hai nước còn cần hợp tác nghiên cứu khoa học với nhau trong những lĩnh vực đa dạng này.

Hội nghị Khoa học VANJ 2024 khép lại với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, mở ra cơ hội hợp tác và định hướng rõ ràng hơn cho con đường nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trong tương lai.

Công Thường

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)