Thứ tư, 08/01/2025 08:47

Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân

Để tiếp tục triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân tại Việt Nam, việc xây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu về điện hạt nhân và an toàn bức xạ là yếu tố vô cùng quan trọng… Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Ngày 18/08/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1558/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đến năm 2020” (Đề án 1558). Giai đoạn 2010-2015, Việt Nam đã gửi hơn 400 sinh viên đi đào tạo Liên bang Nga, 32 kỹ sư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đi đào tạo 2 năm ở Nhật Bản và một số khác đào tạo ngắn hạn tại Hungary để phục vụ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm dừng lại vào tháng 11/2016, hầu hết các nhân sự này đã chuyển sang làm việc cho các lĩnh vực khác.

PGS.TS Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, điện hạt nhân là lĩnh vực đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật cao, yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng từ khâu thiết kế, công nghệ, xây dựng hạ tầng đến vận hành và quản lý pháp quy hạt nhân. Nguồn nhân lực không chỉ là yếu tố quyết định sự thành công của dự án mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn và hiệu quả vận hành lâu dài.

Đồng tình với ý kiến trên ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết hiện nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học, kỹ thuật đầu ngành. Hiện số nhân lực về điện hạt nhân làm việc chủ yếu trong các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, một số trường đại học, viện nghiên cứu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, điện hạt nhân cần có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, kỹ thuật rất lớn, được đào tạo cơ bản và phải theo từng loại hình công nghệ… Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần được xem là vấn đề then chốt, quyết định để triển khai thực hiện chương trình điện hạt nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trực thuộc cần đánh giá khả năng thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân và hệ sinh thái năng lượng hạt nhân tại Việt Nam của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài ngành Công Thương; đồng thời phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ để đưa ra chương trình đào tạo chuẩn cho đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân…

Lê Đức Nguyên

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)