Thứ năm, 27/03/2025 13:50

Ứng dụng công nghệ học máy trong hỗ trợ giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi

Ngày 26/03/2025, Khoa Giáo dục sớm và Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong giáo dục trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi ở gia đình”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của đề tài cấp Đại học Quốc gia “Ứng dụng công nghệ học máy hỗ trợ người lớn trong giáo dục trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi ở gia đình”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Giáo dục sớm không chỉ hướng đến việc trang bị kiến thức mà còn chú trọng phát triển toàn diện về nhận thức, tư duy và khả năng sáng tạo của trẻ. Giáo dục sớm đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác và phát triển khả năng cũng như tài năng tiềm ẩn của trẻ. Đây là giai đoạn lý tưởng để phát triển thể chất, trí tuệ, hình thành tính cách và phẩm chất đạo đức. Trước đây, người ta cho rằng não trái và não phải hoạt động theo cùng một nguyên lý, tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, não phải có những khả năng đặc biệt và tiềm năng chưa được khai thác hết. Nếu được kích hoạt đúng cách, não phải có thể thúc đẩy sự phát triển trí tuệ không giới hạn. Não phải được hình thành trước khi trẻ chào đời, trong khi não trái phát triển sau đó. Trong ba năm đầu đời, não trái chưa hoạt động hiệu quả, do đó, não phải giữ vai trò chủ đạo. Từ ba đến sáu tuổi, vai trò của não phải dần nhường chỗ cho não trái, và đến sáu tuổi, não trái trở thành trung tâm kiểm soát các hoạt động tư duy của trẻ. Chính vì vậy, giáo dục sớm chú trọng vào việc kích hoạt và phát triển não phải trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi - thời kỳ quan trọng nhất trong quá trình hình thành trí tuệ.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong giáo dục sớm và những phát hiện khoa học mới về sự phát triển thần kinh vượt trội của trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 36 tháng tuổi, nhóm nghiên cứu của Khoa Giáo dục sớm và Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục đã ứng dụng công nghệ học máy (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng một hệ thống chatbot tích hợp trên nền tảng Messenger Platform. Chatbot có khả năng tương tác tự nhiên với người dùng thông qua xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), cung cấp thông tin tư vấn toàn diện về phát triển thể chất, cảm xúc, ngôn ngữ và nhận thức của trẻ nhỏ. Kết quả thử nghiệm bước đầu cho thấy, chatbot có khả năng trả lời tự nhiên, phản hồi đúng trọng tâm, giao diện thân thiện, dễ sử dụng, và nhận được đánh giá tích cực từ phía phụ huynh trải nghiệm. Hệ thống cũng có khả năng học hỏi và điều chỉnh theo thời gian nhờ dữ liệu hội thoại được ghi nhận, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng tư vấn.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện cơ sở giáo dục đánh giá cao tiềm năng của chatbot AI “bảo mẫu” trong cải thiện chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ tại gia đình. Điểm đáng chú ý của chatbot này là khả năng tư duy theo ngữ cảnh, trả lời linh hoạt và phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ. Đây là một ứng dụng công nghệ có tính nhân văn, góp phần xây dựng môi trường giáo dục tích cực và thông minh trong gia đình.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng cho rằng, Chatbot AI "bảo mẫu" là một sản phẩm có tiềm năng nhân rộng, góp phần vào công cuộc đổi mới giáo dục và chăm sóc trẻ nhỏ trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả, cần đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ nâng cao nhận thức công nghệ cho phụ huynh, cung cấp kiến thức giáo dục sớm và tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ một cách bền vững và toàn diện.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)