Thứ năm, 10/04/2025 15:47

Cấy ghép thành công gan lợn cho bệnh nhân đầu tiên trên thế giới

Một lá gan từ lợn biến đổi gen đã được cấy ghép thành công vào bệnh nhân chết não tại Trung Quốc và hoạt động ổn định trong 10 ngày, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực cấy ghép tạng.

Sơ đồ mô phỏng quá trình ghép gan lợn chỉnh sửa gen vào cơ thể người trong nghiên cứu này (nguồn: Sciencealert).

Nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã thực hiện thành công ca cấy ghép tại Bệnh viện Tây Kinh, Trung Quốc. Lá gan cấy ghép được lấy từ một con lợn đã được chỉnh sửa 6 vị trí gen nhằm giảm nguy cơ đào thải. Người nhận là một bệnh nhân chết não nhưng các chức năng cơ thể vẫn được duy trì, cho phép mô phỏng quá trình điều trị thay thế gan ở bệnh nhân suy gan. Kết quả theo dõi sau 10 ngày cho thấy, lá gan cấy ghép vẫn hoạt động bình thường, tiết mật, duy trì lưu thông máu mà không có dấu hiệu bị đào thải cấp tính hay truyền nhiễm virus từ lợn sang người.

Giáo sư Muhammad Mohiuddin - Giám đốc Chương trình cấy ghép tim dị ghép tại Đại học Maryland nhận định rằng, dù gan lợn chưa thể thay thế hoàn toàn gan người song có thể đóng vai trò như một "cầu nối" giúp duy trì sự sống cho bệnh nhân suy gan cấp tính. Nhóm bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật phẫu thuật nối gan lợn vào động mạch chính từ chân lên tim, giúp giảm rủi ro biến chứng và dễ dàng tháo bỏ khi không còn cần thiết. Phương pháp này làm cho việc ghép gan từ lợn trở nên khả thi hơn trong điều kiện lâm sàng.

Những năm gần đây, việc sử dụng nội tạng lợn cho ghép tạng đã có nhiều tiến bộ nhờ công nghệ chỉnh sửa gen. Một số cơ quan của lợn có kích thước và chức năng tương đồng với người, sau khi chỉnh sửa gen có thể làm giảm nguy cơ đào thải. Trước đó, thế giới đã ghi nhận nhiều ca ghép tim và thận từ lợn chỉnh sửa gen sang người. Những nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nội tạng hiến tặng trên toàn cầu.

PT (theo Sciencealert)

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)