
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Husk Việt Nam cho biết, Husk Việt Nam là công ty tiên phong trong sản xuất biochar tại Đông Nam Á, đã nhận chứng nhận từ châu Âu và hiện đang vận hành một nhà máy ở Campuchia. Quy trình sản xuất biochar của Husk Việt Nam sử dụng kỹ thuật nhiệt phân vỏ trấu trong điều kiện ít ôxy, ở nhiệt độ dao động 450-600°C. Nhà máy mới tại Việt Nam sẽ được đặt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long - khu vực có nhiều cơ sở xay xát, giúp tối ưu chi phí vận chuyển và thu gom nguyên liệu.
Theo chia sẻ, giai đoạn đầu, nhà máy dự kiến sản xuất khoảng 3.000 tấn biochar mỗi năm, tương đương với 3.000 tín chỉ carbon. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, cứ 2 tấn vỏ trấu sẽ cho ra 1 tấn biochar. Mỗi tấn này có thể mang lại hơn 100 USD từ tín chỉ carbon và khoảng 300-400 USD từ sản phẩm, tuy nhiên mức giá sẽ biến động tùy theo cung cầu thị trường.
Biochar có khả năng cải thiện hiệu suất sử dụng đạm trong đất, nhờ đó giảm nhu cầu phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, còn đóng vai trò hấp thụ và lưu giữ carbon, góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Hiện Husk Việt Nam đang giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện tại Campuchia, với đối tác chủ yếu là các tổ chức tại châu Âu. Sau khi bán, việc sử dụng biochar phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, bao gồm cả cam kết sử dụng trong nông nghiệp và đánh giá phát thải CO2 phát sinh trong quá trình sử dụng. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Việt Nam có nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào như vỏ cà phê, bã mía, vỏ dừa, phế liệu từ cây keo rất phù hợp để làm nguyên liệu sản xuất biochar. Tuy nhiên, nhận thức về tiềm năng của sản phẩm này trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn hạn chế ở thị trường nội địa.
Xuân Bình