Phát biểu khai mạc Cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Phạm Văn Toàn cho biết, kể từ khi trở thành thành viên của Sáng kiến CBRN tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2011, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc tham gia vào hoạt động của các dự án khu vực. Với vai trò Cơ quan đầu mối quốc gia chính, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã phối hợp với các bộ/ngành có liên quan triển khai nhiều dự án cụ thể, góp phần nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó với các nguy cơ CBRN.

Tính đến năm 2025, Việt Nam đã và đang tham gia triển khai 22 dự án thành phần của Sáng kiến CBRN trong khu vực, trong số đó, Dự án số 98 “Tăng cường năng lực chuẩn bị và ứng phó y tế khẩn cấp liên quan đến các sự cố CBRN trong khu vực Đông Nam Á” là dự án mới, dự kiến sẽ được triển khai từ nay đến năm 2027. Phó Cục trưởng Phạm Văn Toàn bày tỏ cảm ơn tới Liên minh châu Âu đã hỗ trợ kinh phí triển khai Dự án tại Việt Nam cũng như sự phối hợp công tác của các bộ/ngành có liên quan đã góp phần quan trọng vào thành công của các hoạt động trong khuôn khổ Sáng kiến đã và đang triển khai tại Việt Nam.
Tại Cuộc họp, bà Raquel Duarte Davidson - Trưởng nhóm chuyên gia Dự án số 98 đã đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam trong triển khai các dự án thành phần của Sáng kiến CBRN trong khu vực. Bà nhấn mạnh, mục tiêu chung của Dự án số 98 nhằm tăng cường công tác chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp y tế liên quan tới CBRN tại các quốc gia đối tác ở Đông Nam Á.
Trong 2 ngày diễn ra Cuộc họp, các chuyên gia đã giới thiệu chi tiết về mục tiêu, giai đoạn và các hoạt động của Dự án. Đại diện phía Việt Nam giới thiệu về tổ chức và quy định của Việt Nam trong quản lý sự cố, tập trung vào chuẩn bị và ứng phó trong trường hợp khẩn cấp y tế và các ưu tiện quốc gia hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất các hoạt động cụ thể của Dự án cho kế hoạch 2025-2027.
Sáng kiến CBRN được Liên minh châu Âu khởi xướng từ năm 2010. Mục tiêu của Sáng kiến CBRN nhằm thiết lập mạng lưới hợp tác khu vực, liên khu vực trên toàn thế giới nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng cường quản lý hiểm họa có thể xảy ra ở các quốc gia thành viên, thúc đẩy việc thực hiện các cam kết quốc tế về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hiện tại, Sáng kiến CBRN đã có sự tham gia của 64 quốc gia tại 08 khu vực trên toàn thế giới.
|
XD