Tại Tọa đàm, các diễn giả đều cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số toàn cầu đang diễn ra sâu rộng, các lĩnh vực công nghệ cốt lõi như điện tử - viễn thông, vật liệu bán dẫn và vi mạch, kỹ thuật máy tính đóng vai trò trung tâm trong việc định hình tương lai kinh tế - xã hội. Những lĩnh vực này không chỉ là nền tảng cho hạ tầng số quốc gia mà còn là động lực phát triển cho các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), thành phố thông minh, xe tự hành hay hệ thống tự động hóa sản xuất… Trong bối cảnh đó, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực nêu trên đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ hệ thống giáo dục đại học đến chính sách phát triển khoa học và công nghệ. Về đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học cần nhanh chóng đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, theo hướng cập nhật với những tiến bộ công nghệ mới nhất của thế giới.

Tọa đàm “Đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành điện tử viễn thông, vật liệu bán dẫn và vi mạch, kỹ thuật máy tính trong kỷ nguyên số”.
Một yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo là tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác với các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao như Trung tâm Bán dẫn Viettel, Viện Khoa học Vật liệu hay các doanh nghiệp trong ngành viễn thông và công nghệ thông tin sẽ tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thực tập, tiếp cận với công nghệ mới, thiết bị hiện đại và tham gia vào các dự án thực tiễn. Đồng thời, đội ngũ giảng viên cũng có cơ hội được cập nhật kiến thức từ thực tiễn công nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực nghiên cứu.
Song song với đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực này cần được thúc đẩy mạnh mẽ, hướng đến các công nghệ cốt lõi như thiết kế vi mạch tích hợp, vật liệu bán dẫn mới, hệ thống truyền thông thế hệ mới (5G, 6G), trí tuệ nhân tạo, điện toán hiệu năng cao...
Tọa đàm “Đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành điện tử viễn thông, vật liệu bán dẫn và vi mạch, kỹ thuật máy tính trong kỷ nguyên số” đã chia sẻ và thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về xu hướng công nghệ, nhu cầu thị trường, cũng như đề xuất các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp hình thành hệ sinh thái đào tạo - nghiên cứu - đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ cao, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng nền kinh tế số hiện đại, bền vững.
ND