Trong giai đoạn 2021-2025, công tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương đã được triển khai đồng bộ trên cả ba trụ cột: xây dựng thể chế, xác định định hướng ưu tiên và kiện toàn bộ máy tổ chức. Bộ Công Thương đã chủ động tham gia xây dựng, đóng góp nội dung quan trọng trong quá trình ban hành các văn bản chiến lược như Nghị quyết 57, Nghị quyết 71 và Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được Quốc hội xem xét thông qua. Ngay sau khi các văn bản này được ban hành, Bộ đã ban hành kế hoạch hành động, phân công cụ thể cho từng đơn vị nhằm triển khai hiệu quả, đúng tiến độ và sát với thực tiễn ngành.
Căn cứ Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030, Bộ đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch hành động cho giai đoạn 2026-2030. Theo đó, kế hoạch đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: cung cấp luận cứ chính sách; làm chủ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lõi; phát triển giải pháp chuyển đổi số; tạo sản phẩm, quy trình, mô hình kinh doanh mới; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; đào tạo và phổ biến tri thức đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã từng bước tái cơ cấu hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc theo hướng tinh gọn, tự chủ, gắn với thị trường và hoạt động hiệu quả. Phần lớn các viện nghiên cứu của Bộ không còn phụ thuộc vào nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Các kết quả nghiên cứu đã đóng góp thiết thực vào thực tiễn sản xuất, quản lý và chính sách của ngành. Nhiều đề tài/dự án đã được ứng dụng vào thực tiễn của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, cải tiến quy trình sản xuất và tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có tính cạnh tranh cao.
Công tác phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng là một trọng tâm trong giai đoạn tới. Bộ Công Thương chủ trương hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo và các cụm liên kết viện - trường - doanh nghiệp trong các lĩnh vực then chốt như cơ khí, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, hóa chất, thực phẩm, dệt may và da giày. Đồng thời, Bộ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng nền công nghiệp số, thương mại số và chính phủ số.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang trải qua những biến đổi sâu sắc của kỷ nguyên số, S.T.I.D đóng vai trò then chốt, là động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường sức mạnh quốc gia. Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn để ngành Công Thương khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của đất nước. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị các đơn vị trong ngành nêu cao tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng vượt qua rào cản tư duy và thể chế để tạo ra đột phá thực chất trong lĩnh vực phát triển S.T.I.D quốc gia vì một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tự cường và thịnh vượng.
Ninh Diện - Dương Diêu