Thứ hai, 09/06/2025 16:14

Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Giải pháp công nghệ từ thực tiễn Trung Quốc và Thái Lan

Chuyển đổi số đang làm thay đổi căn bản bộ mặt nông nghiệp ở nhiều quốc gia châu Á, tiêu biểu là Trung Quốc và Thái Lan. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như 5G, IoT, AI… đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, đồng thời tạo ra môi trường an toàn, minh bạch, tiết kiệm nguồn lực và bảo vệ môi trường bền vững. Những kinh nghiệm này mở ra gợi ý thực tiễn cho Việt Nam trong lộ trình chuyển đổi số nông nghiệp, đặt nền móng cho sự phát triển hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng của ngành trong tương lai.

Quản lý nghề cá thông minh với 5G tại Trung Quốc

Thành phố Dương Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từng đối mặt với khó khăn lớn trong quản lý nghề cá. Trước đây, hơn 6.000 tàu đánh cá hoạt động trên bờ biển dài 459 km không có kết nối đáng tin cậy, khiến việc quản lý tàu và đảm bảo an toàn cho ngư dân rất khó khăn. Việc tiêu thụ thủy sản qua kênh kỹ thuật số bị hạn chế, ngư dân không thể bán hải sản tươi qua mạng và thường xuyên gặp nguy hiểm khi thời tiết xấu.

Nhằm giải quyết vấn đề này, China Unicom - công ty viễn thông nhà nước cùng Huawei đã triển khai hệ thống quản lý tàu cá kỹ thuật số dựa trên mạng lưới 5G hiện đại. Công nghệ MetaAAU 5G phủ sóng toàn bộ bờ biển, kết nối với điện toán đám mây, hệ thống định vị GPS và Bắc Đẩu. Hệ thống cho phép giám sát tàu cá theo thời gian thực, gửi cảnh báo thời tiết nhanh chóng và hỗ trợ thương mại điện tử cho ngư dân.

Giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh trên tàu, ngư dân có thể cập nhật tin tức, nhận cảnh báo bão, sử dụng các nền tảng bán hàng trực tuyến như Taobao, TikTok, Yimutian để livestream bán hải sản tươi ngay khi vừa đánh bắt được. Hệ thống còn giúp các gia đình ngư dân luôn liên lạc với nhau bằng cuộc gọi video HD tốc độ cao, giảm bớt lo lắng mỗi khi tàu ra khơi.

Mạng 5G đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số nông nghiệp.

Về quản lý nhà nước, “mỗi tàu một hồ sơ” được số hóa và cập nhật liên tục trên nền tảng dữ liệu lớn. Cục Quản lý nghề cá có thể giám sát vị trí, trạng thái của từng tàu trên bản đồ số, tự động gửi thông báo khi phát hiện tàu có dấu hiệu bất thường hoặc gặp nguy hiểm. Ngư dân cũng có thể gọi cứu hộ chỉ bằng một nút bấm khi cần thiết.

Nhờ hệ thống kỹ thuật số này, an toàn nghề cá tăng lên rõ rệt. Hơn 4.000 tàu thuyền đã kết nối với hệ thống, hoạt động ổn định gần hai năm. Hệ thống đã giúp chính quyền phát hiện hơn 40 trường hợp vi phạm quy định, xử lý hơn 10.000 mét lưới đánh bắt trái phép và tiết kiệm hàng triệu nhân dân tệ do thiên tai.

Đặc biệt, việc phủ sóng 5G dọc bờ biển giúp tàu thuyền kết nối ổn định ở khoảng cách xa, lên tới 60 km ngoài khơi. Nhờ đó, năng suất lao động và chất lượng cuộc sống của ngư dân được nâng cao, doanh thu từ thương mại điện tử trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 350 triệu nhân dân tệ (khoảng 50 triệu USD). China Unicom đang mở rộng hệ thống này cho toàn tỉnh, kỳ vọng sẽ phục vụ 40.000-50.000 tàu và tích hợp thêm nhiều dịch vụ số trong tương lai như quản lý trang trại nuôi cá, du lịch đảo, sản xuất năng lượng gió...

Nông trại thông minh không cần người vận hành tại Hạc Phong

Nếu trước đây, nông dân ở Hạc Phong (Trung Quốc) phải làm việc cực nhọc, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng trong mùa thu hoạch, thì nay, nhờ các công nghệ tự động hóa và kết nối 5G, mọi thứ đã thay đổi ngoạn mục. Tại “Nông trại tự động Hạc Phong” ở thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông, hệ thống máy nông nghiệp không người lái đã thay thế phần lớn sức lao động thủ công.

Nông trại rộng 33 ha này được triển khai bởi Đại học Khoa học Kỹ thuật Sơn Đông hợp tác với China Mobile và Huawei. Tại đây, các máy bay không người lái, máy phun thuốc, hệ thống tưới nước tự động đều kết nối với trạm phát sóng 5G và được điều khiển từ xa thông qua trí tuệ nhân tạo, nhận diện hình ảnh và vệ tinh viễn thám.

Nông dân chỉ cần giám sát và thao tác trên thiết bị điều khiển, không phải trực tiếp xuống đồng. Nhờ tốc độ truyền dữ liệu cao, độ trễ thấp của 5G, các thao tác như gieo hạt, xới đất, phun thuốc, thu hoạch được thực hiện đồng bộ, chính xác, giúp tăng hiệu suất và chất lượng nông sản. Hệ thống quản lý thông tin tập trung trên nền tảng đám mây giúp theo dõi toàn bộ quá trình sản xuất, lưu trữ dữ liệu lớn, từ đó điều chỉnh sản xuất hợp lý hơn, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, thân thiện môi trường.

Đây là bước tiến lớn hướng tới một nền nông nghiệp không chỉ an toàn, hiệu quả, mà còn giúp bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai.

Ứng dụng công nghệ nền tảng 5G trên hệ thống đám mây trung tâm của Chính phủ

Không chỉ Trung Quốc, Thái Lan cũng có những giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp rất ấn tượng. Trung tâm đào tạo Pha Mi đã triển khai dự án ứng dụng công nghệ 5G, IoT, điện toán đám mây (GDCC) để xây dựng trang trại thông minh. Toàn bộ hệ thống kiểm soát tưới tiêu, độ ẩm, nhiệt độ, tốc độ gió đều được kết nối và điều khiển bằng các cảm biến IoT và mạng 5G.

Dữ liệu thu thập từ cảm biến sẽ được phần mềm trang trại thông minh lưu trữ và xử lý trên hệ thống đám mây GDCC của chính phủ, sử dụng AI để phân tích, dự báo và tự động điều chỉnh điều kiện sản xuất. Nông dân không còn phụ thuộc vào kinh nghiệm truyền thống mà dựa vào thông tin thực tế, được cập nhật liên tục qua điện thoại di động.

Thách thức lớn của nông nghiệp Thái Lan là diện tích đất canh tác giảm do thiếu nước và tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh. Hệ thống GDCC, cùng với 5G và IoT đã trở thành giải pháp cứu cánh, giúp điều tiết tưới tiêu hợp lý, tối ưu sử dụng nước, tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm chi phí và đảm bảo sản lượng.

Theo Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số Thái Lan, nhờ áp dụng 5G, thời gian thu hoạch giảm 20%, năng suất cây trồng tăng 25%. Ứng dụng này không chỉ cải thiện sản xuất mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng thu nhập và mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho nông dân, góp phần giảm nghèo, phát triển nông thôn bền vững.

Kiến nghị cho Việt Nam từ kinh nghiệm chuyển đổi số của Trung Quốc và Thái Lan

Ưu tiên phát triển hạ tầng số cho nông nghiệp, nông thôn

Kinh nghiệm từ Trung Quốc và Thái Lan cho thấy, đầu tư đồng bộ hạ tầng số - đặc biệt là mạng 5G, hạ tầng IoT và nền tảng đám mây  là nền tảng quan trọng giúp chuyển đổi số nông nghiệp thành công. Việt Nam cần tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng internet tốc độ cao, ưu tiên triển khai 5G tại các khu vực sản xuất lớn, vùng nuôi trồng tập trung, bến cá, cảng cá, đồng thời phát triển các trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây chuyên biệt phục vụ cho ngành nông nghiệp.

Xây dựng hệ thống quản lý, cơ sở dữ liệu ngành số hóa đồng bộ, liên thông

Cần thiết lập các cơ sở dữ liệu ngành về tàu cá, vùng sản xuất, vùng nuôi, mã số vùng trồng, vật tư nông nghiệp, dữ liệu truy xuất nguồn gốc... đồng bộ từ địa phương đến Trung ương, kết nối liên thông với các bộ ngành liên quan và mở rộng tích hợp với hệ thống thương mại điện tử, logistics, cảnh báo thiên tai, phòng chống dịch bệnh. Mô hình “mỗi tàu cá một hồ sơ”, “mỗi nông trại một mã số” như Trung Quốc là bài học điển hình.

Phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử và dịch vụ số cho nông dân

Việt Nam cần khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia sâu vào các nền tảng thương mại điện tử, livestream bán hàng, truy xuất nguồn gốc số. Song song, tăng cường liên kết với các dịch vụ hỗ trợ như logistics, thanh toán điện tử, kiểm định, bảo hiểm số để hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản số hóa.

Đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực ngành nông nghiệp

Chuyển đổi số chỉ thành công khi người sử dụng thực sự làm chủ công nghệ. Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo, tập huấn kỹ năng công nghệ số cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Nên xây dựng các chương trình đào tạo thực hành, học online, hướng dẫn sử dụng phần mềm, ứng dụng, thiết bị thông minh ngay tại cơ sở sản xuất.

Hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy hợp tác công - tư

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy vai trò của Nhà nước rất lớn trong việc xây dựng, cập nhật khung pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển nông nghiệp số. Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dữ liệu, thương mại điện tử, bảo mật thông tin, khuyến khích đầu tư xã hội hóa và thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển nền tảng số, công nghệ thông minh cho nông nghiệp.

Tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức cộng đồng

Cần chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức về lợi ích và vai trò chuyển đổi số, thúc đẩy tư duy đổi mới, chủ động tiếp nhận và ứng dụng công nghệ số ở mọi cấp, mọi đối tượng trong nông thôn, nông nghiệp.

Thay lời kết

Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là con đường tất yếu để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao giá trị, hội nhập sâu với thế giới. Những kinh nghiệm thành công từ Trung Quốc, Thái Lan đã cho thấy chuyển đổi số thực sự mang lại bước đột phá nếu có sự đồng bộ về hạ tầng, cơ sở dữ liệu, công nghệ, nguồn nhân lực và sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân. Việt Nam cần tận dụng thời cơ, hành động mạnh mẽ để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng số hóa nông nghiệp toàn cầu.

TAGS :

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)