
Theo đó, 100 chuyên gia AI hàng đầu sẽ được giao nhiều nhiệm vụ cụ thể, trải rộng từ hoạch định chính sách, nghiên cứu phát triển, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho đến đào tạo và ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực thiết yếu.
Các chuyên gia sẽ tham gia trực tiếp vào 15 nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm gồm thiết lập cơ sở dữ liệu chuyên gia AI quốc gia; tham vấn xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Công nghiệp công nghệ số (nội dung liên quan đến trí tuệ nhân tạo); tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và khung pháp lý liên quan đến AI; nghiên cứu, thực hiện xây dựng nền tảng dữ liệu sinh học quốc gia tích hợp trí tuệ nhân tạo phục vụ nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sản phẩm công nghệ sinh học tại Việt Nam.
Một số nhiệm vụ khác là nghiên cứu, thực hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (IoT) trong giám sát sức khỏe vật nuôi, truy xuất dịch bệnh để tối ưu hóa chuỗi chăn nuôi - thủy sản tại Việt Nam; nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu và phát triển nền tảng số AI, IoT trong công nghệ bảo quản giữ tươi lâu dài nông sản sau thu hoạch nhằm ổn định chất lượng nông sản đạt chuẩn xuất khẩu; nghiên cứu, thực hiện xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức; nghiên cứu, phát triển các mô hình AI “Make in Vietnam” trong các lĩnh vực ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, dữ liệu; nghiên cứu, thực hiện xây dựng bản sao số cho các thành phố và IoT.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đặt hàng/giao nhiệm vụ cho các chuyên gia phát triển các sản phẩm công nghệ trợ lý ảo thuộc nhóm công nghệ chiến lược trí tuệ nhân tạo, bản sao số, thực tế ảo/thực tế tăng cường; nghiên cứu khoa học để phát triển các sản phẩm công nghệ Bản sao số (Digital Twin) thuộc nhóm công nghệ chiến lược trí tuệ nhân tạo, bản sao số, thực tế ảo/thực tế tăng cường.
Ba nhiệm vụ còn lại là nghiên cứu khoa học để phát triển các sản phẩm công nghệ Vũ trụ ảo (Metaverse) thuộc nhóm công nghệ chiến lược trí tuệ nhân tạo, bản sao số, thực tế ảo/thực tế tăng cường; tư vấn thiết kế, phát triển và triển khai các nền tảng, hệ thống AI trọng điểm. Bên cạnh đó là bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho những người làm công tác đào tạo, giảng dạy về AI, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư AI.
Kế hoạch thu hút 100 chuyên gia AI giỏi không chỉ là một chương trình chiêu mộ nhân tài mà còn là một chương trình hành động cụ thể, với tầm nhìn đưa AI trở thành một trong những trụ cột công nghệ chủ lực của Việt Nam trong thập kỷ tới. Đây là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của Việt Nam trong việc nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và vươn lên khẳng định vị thế trên bản đồ AI toàn cầu.
PT