Thứ hai, 07/07/2025 16:13

Doanh nghiệp nhỏ Đông Nam Á tăng tốc ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) và AI tạo sinh (GenAI) đang trở thành xu thế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Đông Nam Á đã bắt đầu tăng tốc ứng dụng công nghệ này vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù tiềm năng là rất lớn, nhưng mức độ ứng dụng AI tại khu vực vẫn còn hạn chế, chủ yếu do rào cản về chi phí và năng lực kỹ thuật.

Doanh nghiệp nhỏ Đông Nam Á tăng tốc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo có tiêu đề "Mở khóa tiềm năng AI của Đông Nam Á" của Boston Consulting Group, trí tuệ nhân tạo - đặc biệt là GenAI - có thể đóng góp khoảng 120 tỷ USD vào GDP của khu vực vào năm 2027. Công nghệ này được đánh giá có khả năng “xác định lại các quy trình kinh doanh và mở ra các nguồn doanh thu mới”, đặc biệt đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (MSME). Một báo cáo khác từ Google cũng ghi nhận Singapore, Philippines và Malaysia là 3 quốc gia nằm trong top 10 thế giới về lượng tìm kiếm và quan tâm đến AI. Điều này cho thấy sự sẵn sàng cao và khát vọng đổi mới trong khu vực. Trong đó, tỷ lệ lãnh đạo doanh nghiệp dưới 40 tuổi tại Việt Nam, Malaysia và Philippines thuộc hàng cao nhất châu Á - Thái Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và triển khai công nghệ mới. Tại Việt Nam, theo Phó Giám đốc chương trình Truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học RMIT Soumik Parida, giới trẻ Việt Nam được đánh giá là nhanh nhạy và dễ thích nghi với công nghệ mới, tạo ra triển vọng tích cực cho việc ứng dụng AI trong thời gian tới. Còn Ông Jochen Wirtz, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, việc áp dụng AI là vấn đề “sống còn” với các doanh nghiệp nhỏ. Theo đó, hoặc là bạn phát triển và áp dụng AI, hoặc là doanh nghiệp của bạn sẽ bị đào thải.

Ứng dụng AI trong doanh nghiệp nhỏ đang tập trung mạnh vào các lĩnh vực như dịch vụ khách hàng, tiếp thị và thương mại điện tử. Một báo cáo chung của Lazada và Hãng nghiên cứu Kantar chỉ ra rằng, chatbot là trường hợp sử dụng phổ biến nhất, theo sau là cá nhân hóa nội dung quảng cáo và tối ưu hoá quy trình bán hàng. AI tạo sinh cũng đang mở ra những lợi ích đặc biệt cho khu vực Đông Nam Á vốn có sự đa dạng ngôn ngữ lớn. Công nghệ này không chỉ giúp doanh nghiệp viết nội dung quảng bá mang tính cá nhân hoá cao, mà còn có thể dịch nhanh chóng sang nhiều ngôn ngữ trong khu vực như tiếng Việt, Thái, Indonesia… Điều này giúp các thương hiệu địa phương vươn xa hơn mà không gặp rào cản ngôn ngữ.

Một ví dụ điển hình là Công ty Lita Global - nền tảng mạng xã hội dành cho game thủ tại Indonesia. Kể từ khi tích hợp các mô hình GenAI của OpenAI từ giữa năm 2024, Lita đã tăng gấp đôi số lượng sự kiện chơi game trực tuyến mỗi tháng. Nhờ khả năng tự động hoá việc dịch thông báo từ tiếng Anh sang các ngôn ngữ địa phương, nhân viên công ty có thể tổ chức nhiều sự kiện hơn, giúp doanh thu hằng tuần tăng thêm khoảng 20%.

Ngoài ra, GenAI còn đang được sử dụng để tạo ra hình thức livestream bằng AI - một giải pháp thay thế chi phí thấp cho mô hình phát sóng trực tiếp truyền thống. Trong khi livestream chuyên nghiệp thường đòi hỏi studio, thiết bị, người dẫn chương trình, thì các doanh nghiệp nhỏ có thể chỉ cần thuê dịch vụ livestream AI với chi phí khoảng 1 USD/phút - theo công bố của Công ty TopviewAI. Với chi phí thấp, thao tác đơn giản và khả năng vận hành nhanh chóng, giải pháp này đang giúp MSME tiếp cận thị trường thương mại điện tử một cách hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp nhỏ vẫn là chi phí đầu tư. Các hệ thống AI tiên tiến thường đòi hỏi ngân sách lớn, khiến nhiều công ty nhỏ chỉ có thể triển khai ở mức độ cơ bản - chẳng hạn dùng chatbot để trả lời câu hỏi thường gặp hay xử lý đơn hàng đơn giản. Việc phát triển hệ thống tùy chỉnh chuyên sâu vẫn là đặc quyền của các tập đoàn lớn. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong ngành thời trang và thực phẩm - đồ uống đã bắt đầu sử dụng các công cụ AI sẵn có trên thị trường để quản lý đơn hàng và trả lời khách hàng trên nền tảng mạng xã hội. Những công cụ như vậy thường có chi phí hợp lý và không đòi hỏi kỹ năng lập trình chuyên sâu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhân sự mà vẫn nâng cao hiệu quả.

Dù vậy, triển vọng dài hạn cho doanh nghiệp nhỏ ở Đông Nam Á vẫn rất tích cực. Công ty tư vấn Gartner dự báo rằng, đến năm 2027, chi phí trung bình để truy cập các giao diện lập trình ứng dụng (API) của GenAI sẽ giảm xuống dưới 1% so với mức hiện tại. Khi chi phí giảm, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp nhỏ sẽ tăng lên tương ứng. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ các nước trong khu vực cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ thông qua các gói tài chính, chương trình đào tạo và phổ cập công nghệ để tận dụng làn sóng AI một cách toàn diện. Sự hỗ trợ này đặc biệt quan trọng khi GenAI đang dần trở thành một “điểm cân bằng” giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ. Dù còn nhiều thách thức, sự bùng nổ của AI tạo sinh và các công cụ thông minh đang trao cơ hội lớn cho doanh nghiệp nhỏ Đông Nam Á bứt phá. Với dân số trẻ, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và sự linh hoạt trong ứng dụng công nghệ, khu vực này hoàn toàn có khả năng trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên AI trong thập kỷ tới.

NMK

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)