Thứ sáu, 25/07/2025 15:45

Quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ Halal

Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định Quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ Halal. Việc ban hành văn bản quản lý về vấn đề này là hết sức cần thiết khi thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn xét về quy mô dân số Hồi giáo chiếm gần 1/4 dân số thế giới.

Theo tiếng Ả Rập, "Halal" có nghĩa là "được phép" và "Haram" là những điều cấm kỵ. Với tín ngưỡng của mình, người Hồi giáo chỉ sử dụng những sản phẩm được Thượng đế (Allah) cho phép và thể hiện sự cho phép là sản phẩm đó được chứng thực Halal theo Kinh Qur’an và Luật Hồi giáo (Sharia). Các sản phẩm Halal bao gồm hầu hết các sản phẩm thiết yếu của cuộc sống như thực phẩm, đồ uống, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ đến lĩnh vực dịch vụ như: ngân hàng, du lịch, an ninh, giáo dục và đào tạo, dịch vụ ăn uống, khách sạn, logistics.

Các sản phẩm Halal bao gồm hầu các sản phẩm thiết yếu của cuộc sống như thực phẩm, đồ uống, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng, dược phẩm... (nguồn: Meta AI).

Thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn xét về quy mô dân số Hồi giáo, với khoảng 1,94 tỷ người vào năm 2022, chiếm gần 1/4 dân số thế giới. Dân số Hồi giáo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình 1,5%/năm, cao gấp đôi so với dân số phi Hồi giáo (0,7%/năm) và dự kiến sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người và năm 2050. Theo dự báo, đến năm 2050 thế giới sẽ có 51 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, tăng 02 nước so với năm 2010.

Dự thảo Nghị định quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ Halal, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề: quy định về yêu cầu chung đối với sản phẩm, dịch vụ Halal; quy định về ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ Halal; quy định về thử nghiệm, chứng nhận đối với sản phẩm, dịch vụ Halal; quy định dấu chứng nhận Halal và thừa nhận kết quả quốc tế; quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm và trách nhiệm quản lý; quy định về chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hoạt động xuất khẩu sản phẩm Halal.

Dự thảo Nghị định quy định sản phẩm, dịch vụ Halal phải tuân thủ đồng thời các quy định của Luật Hồi giáo (Sharia) và tiêu chuẩn Halal mà cơ sở sản xuất, kinh doanh đã công bố áp dụng. Đối với sản phẩm Halal, các yêu cầu bao trùm từ nguyên liệu, phụ gia phải là Halal, quy trình sản xuất phải đảm bảo vệ sinh và ngăn ngừa nhiễm chéo, cho đến việc đóng gói, lưu trữ và vận chuyển phải được tách biệt để bảo toàn tính Halal. Các cơ sở sản xuất phải công bố tiêu chuẩn áp dụng (có thể là Tiêu chuẩn quốc gia - TCVN, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc nước ngoài) trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Nhà nước sẽ ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy ngành Halal phát triển. Các chính sách này bao gồm việc chủ động đàm phán, ký kết các thỏa thuận quốc tế để tạo thuận lợi thương mại ; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia và quốc tế; hỗ trợ về nguồn lực. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tiếp cận tín dụng ưu đãi, một phần chi phí tư vấn và chứng nhận Halal lần đầu, cũng như hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng công nghệ và truy xuất nguồn gốc. Nhà nước cũng sẽ xây dựng và duy trì một cơ sở dữ liệu Halal quốc gia để cung cấp thông tin minh bạch cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

AT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)