Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI tiếp tục hướng tới việc phát triển sâu, rộng ngành Việt Nam học trên toàn cầu, là diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và nước ngoài kế thừa các nghiên cứu trước đó về Việt Nam học, đồng thời làm rõ hơn các vấn đề đương đại của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Hội thảo cũng là sự kiện thu hút giới nghiên cứu, truyền thông trong nước và quốc tế tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, hướng tới sự chủ động hội nhập quốc tế và phát triển bền vưng trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI trên nhiều khía cạnh: chính trị, luật pháp, con người, văn hóa, xã hội, dân tộc, tôn giáo, kinh tế, hội nhập quốc tế…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chào mừng tại Hội thảo (ảnh: TTXVN).
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ cảm ơn các nhà khoa học đã dành tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam, đã có những cống hiến khoa học rất quan trọng, ý nghĩa trong nghiên cứu về Việt Nam. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhận định về sự vận động toàn cảnh của thế giới, trong đó nhấn mạnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tuy gặp nhiều trở ngại nhưng vẫn là xu hướng chủ đạo; phát triển bền vững tiếp tục là xu thế bao trùm. Đồng thời cũng khẳng định quan điểm phát triển nhanh và bền vững, dựa trên KH&CN, hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội; chủ động tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới hậu đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Việt Nam cũng tái khẳng định quan điểm lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực của phát triển; khơi dậy khát vọng phát triển quốc gia phồn vinh, hạnh phúc; phát huy vai trò là thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần kiến tạo, gìn giữ hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng đề nghị, các nhà khoa học cần tiếp tục làm rõ, sâu sắc hơn nội dung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như những cách tiếp cận phù hợp để đấu tranh hiệu quả với những hành vi phản văn hóa; những lệch lạc trong định hướng giá trị và hiện trạng suy đồi đạo đức. Bên cạnh văn hóa, Việt Nam học cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, không gian mạng và các yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng hiện hữu, qua đó dự báo xu thế, đưa ra những cảnh báo về các vấn đề xã hội, các biện pháp khắc phục những bất cập, mâu thuẫn mới nảy sinh, đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy vai trò và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI ngoài phiên toàn thể, sẽ diễn có 1 diễn đàn và 10 tiểu ban: Các vấn đề khu vực và quốc tế; Tư tưởng, chính trị; Dân tộc, tôn giáo; Giáo dục, đào tạo và phát triển con người Việt Nam; Kinh tế, công nghệ, môi trường; Ngôn ngư, văn học; Nhà nước, pháp luật; Lịch sử, khảo cổ, Hán nôm; Văn hóa; Xã hội được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 730 tham luận của các học giả, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó chọn được 400 bài tham luận để đưa vào kỷ yếu và 120 báo cáo toàn văn.
VVH