Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Trần Tuệ Quang, thời gian qua, với sự phát triển mạnh của các nguồn điện gió, mặt trời với tỷ trọng công suất chiếm hơn 25% tông công suất đặt của toàn hệ thống, hệ thống điện Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều vấn đề kỹ thuật (tình trạng quá tải lưới điện, thừa nguồn phát trong một số thời điểm, mất cân đối tại các khu vực…) dẫn tới một số nguồn năng lượng tái tạo đã phải giảm, hoặc ngừng phát điện tại một sô thời điểm theo yêu cầu của an toàn vận hành hệ thống điện. Tình trạng này đã, đang gây khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư điện gió. mặt trời, làm suy yếu mô hình tài chính, vốn là những cam kết của chủ đầu tư với các bên cho vay, cũng như gây khó khăn trong quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia… Do đó, vấn đề nghiên cứu ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng cũng như đầu tư công nghệ nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam đang được các cấp quản lý, vận hành, các nhà đầu tư quan tâm.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất Nhà nước cần bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp lý liên quan, bởi theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, hệ thống lưu trữ năng lượng chưa được phép tham gia cung cấp dịch vụ cho hệ thống, do đây là một loại hình mới, không sản xuất ra điện năng, chưa có cơ chế, chưa được định nghĩa trong các quy định. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống tích trữ năng lượng nối lưới. Ngoài ra, cần xem xét đầu tư, xây dựng các dự án thủy điện tích năng khác, vì thủy điện tích năng sẽ hỗ trợ hệ thống điện trong việc phủ đỉnh, điền đáy, góp phần san bằng biểu đồ phụ tải, hỗ trợ các nhà máy khác trên hệ thống hoạt động hiệu quả hơn…
Nguyễn Thu Hiền