Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển điện sinh khối, tuy nhiên, việc khai thác các nguồn tài nguyên sinh khối này còn những bước hạn chế nhất định. Thống kê cho thấy, trong năm 2020, công suất lắp đặt toàn quốc đạt gần 75.000 MW, nhưng điện sinh khối công suất lắp đặt ghi nhận chiếm chưa đến 1%, điện năng thương phẩm đưa lên lưới chỉ hơn 0,1%. Đây là con số rất nhỏ so với tiềm năng phát triển của điện sinh khối của Việt Nam… Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích nhằm thu hút các nhà đầu tư, nhưng cho đến nay tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện sinh khối vẫn còn rất nhỏ trong tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện tại Việt Nam. Do vậy, để phát triển mạnh mẽ nguồn điện sinh khối, Việt Nam cần những giải pháp tốt hơn để khuyến khích các nhà đầu tư.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Mathias Eichelbronner - chuyên gia quốc tế về năng lượng sinh khối (GIZ) đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn năng lượng này tại một số quốc gia trên thế giới. Điển hình như việc đầu tư sản xuất điện từ bã mía giúp chi phí sản xuất mía đường ở Thái Lan thấp hơn chi phí ở Việt Nam, bởi lẽ họ dùng bã mía để sản xuất điện, sẽ giảm chi phí năng lượng của họ. Như vậy, với mỗi tấn đường sẽ lợi thế hơn về giá bán. Chia sẻ từ chuyên gia của GIZ cho thấy, cơ chế giá FIT (một giá) ở Việt Nam hiện tại chưa đủ hấp dẫn và chỉ có thể khuyến khích những công nghệ điện sinh khối có hiệu suất thấp. Do đó, Việt Nam phải tính tới giai đoạn 10-20 năm tới, với những công nghệ hiện đại hơn, công suất lớn hơn để đáp ứng hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, để phát triển điện sinh khối, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ người dân vùng nguyên liệu, cơ giới hóa, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển một nền năng lượng các bon thấp.
Nguyễn Thúy Hà