Phát triển điện gió ngoài khơi là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào 2050 như tuyên bố của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Với hơn 3.000 km bờ biển, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió lớn trên thế giới và trong khu vực. Theo nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Thế giới về điện gió ngoài khơi, ước tính tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là 599 GW, với 261 GW điện gió móng cố định và 338 GW điện gió móng nổi.Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt, trong đó gia tăng cơ cấu phát triển nguồn điện năng lượng, thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi với mục tiêu phù hợp
Tại Hội thảo, Ông David McNaught - Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Anh chia sẻ: “Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam cùng với các đối tác quốc tế để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về khí hậu mới, phát triển và thu hút nguồn tài chính tư nhân mà quốc gia cần. Việc Bộ Công Thương tích cực tham gia quá trình này, đặc biệt trong công tác phát triển điện gió ngoài khơi chính là một tín hiệu tích cực, mang lại tác động tiềm năng và đáng kể cho sự cho việc hoạch định Quy hoạch điện VIII cũng như góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam”.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của năng lượng sạch nói chung và điện gió nói riêng, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: với vị trí địa lý và điều kiện khí hậu thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng tốt đối với năng lượng gió ngoài khơi. Công nghệ năng lượng mới nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng ngày càng phát triển, chi phí sản xuất điện từ nguồn công nghệ mới này ngày càng cạnh tranh so với nguồn năng lượng truyền thống. Vì vậy, nguồn điện năng lượng tái tạo được đánh giá sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời gian tới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Trước tính cấp thiết của vấn đề phát triển điện gió ngoài khơi, nhóm tư vấn đã tiến hành nghiên cứu về ba chủ đề: (1) Tài chính dự án, (2) Đấu thầu các dự án điện gió ngoài khơi, (3) Cơ chế, thể chế cho thuê và cấp phép khu vực biển, đáy biển. Nội dung phân tích của Nghiên cứu bao gồm hiện trạng điện gió ngoài khơi của Việt Nam; những khó khăn, thách thức đối với thị trường Việt Nam trong việc huy động vốn; quy trình đấu thầu cũng như cho thuê và cấp phép khu vực biển đối với các dự án điện gió ngoài khơi. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm từ Vương quốc Anh - quốc gia dẫn đầu về điện gió ngoài khơi, các chuyên gia đã đề xuất các bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam và các khuyến nghị cho Chính phủ về đấu thầu, cấp phép cho thuê khu vực biển đối với dự án điện gió ngoài khơi cũng như thúc đẩy việc huy động vốn nước ngoài và thu hút vốn đầu tư cho các dự án này tại Việt Nam.
VVH