Chủ tịch Dương Quang Thành khẳng định, tự động hóa sẽ là lựa chọn ưu tiên phát triển của EVN trong thời gian tới, nhằm đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững và bắt kịp xu thế công nghệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ, chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống điện quốc gia, việc chủ động và tự chủ về công nghệ trong tự động hóa càng cần được chú trọng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc tự động hóa vào ngành điện như: tăng cường nghiên cứu, lựa chọn ứng dụng có chiều sâu và theo chiều rộng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công nghệ kỹ thuật số trong công tác tự động hóa; ưu tiên khuyến khích phát triển các sản phẩm trong cân bằng tải, điều khiển và tối ưu hóa quy trình, kiểm soát hoạt động của nhà máy điện, quản lý và tối ưu hóa nhiên liệu, kiểm tra giám sát hệ thống lưới điện... Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ; xây dựng lộ trình, chương trình hợp tác và chuyển giao công nghệ với các trường đại học, viện nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ về tự động hóa để tối ưu hóa các nguồn lực phát triển, đảm bảo đưa EVN trở thành một trong các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và khu vực về tự động hóa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam là một đất nước đổi mới và sáng tạo.
Cũng tại hội nghị, EVN đã công bố và trao thưởng cho các sản phẩm “Make by EVN” gồm: Công tơ điện tử CPCEMEC; Trạm sạc nhanh cho ô tô điện; Thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp (SRFI); Hệ thống cảnh báo sự cố lưới điện (FDS) và chương trình quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến OMS; Phần mềm Thu thập dữ liệu công tơ đo đếm (EVNHES); Số hóa công tác điều độ lưới điện.
Trần Thu Hiền