Tại buổi tiếp, Bộ trưởng và Đại sứ đều khẳng định, hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã có nền tảng gần 30 năm (kể từ Hiệp định khoa học - kỹ thuật ký kết năm 1995) và được làm tăng xung lực mới vào năm 2008 và năm 2018. Đặc biệt là sự thành công của Chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan (chương trình IPP) trong lĩnh vực ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo. Chương trình IPP và nhiều dự án khác trên các lĩnh vực nước, môi trường, năng lượng, giáo dục, giao thông, đô thị đã tạo nên một nền tảng vững chắc về lòng tin, tri thức mới, kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt là mối quan hệ đối tác hiệu quả giữa cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp của cả 2 quốc gia.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, Bộ KH&CN đã đề xuất với Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam 5 hướng đi cụ thể:
Thứ nhất, mở ra một “kênh” hợp tác mới về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ Việt Nam - Phần Lan. Trong đó, cùng huy động các nguồn lực sẵn có của 2 quốc gia để thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu xuất sắc, thực hiện các nghiên cứu tiên tiến, liên ngành, ưu tiên tìm ra các giải pháp KH&CN khả thi để giải quyết các vấn đề thách thức của hai nước, và xa hơn là các thách thức toàn cầu.
Thứ hai, đẩy mạnh khả năng hành động của cơ chế thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam và Phần Lan. Các cơ chế tối ưu sẽ được dành cho các nội dung như trao đổi hợp tác giữa các start-ups; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua kết nối với các trung tâm ươm tạo, trung tâm thúc đẩy khởi nghiệp, các nhà đầu tư và đặc biệt là sự dẫn dắt của một số doanh nghiệp lớn.
Thứ ba, mở ra một “kênh” hợp tác khả thi để thúc đẩy hợp tác, chuyển giao và thích hợp công nghệ giữa các doanh nghiệp ĐMST của hai nước. Cơ chế này sẽ khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp tech SMEs của Việt Nam - Phần Lan hợp tác với nhau theo nhiều hình thức và qua đó cùng nhau có những sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao, mở rộng thị trường và cộng sinh năng lực ĐMST lẫn nhau.
Thứ tư, mở ra một “kênh” đáng tin cậy để kêu gọi, thu hút sự tham gia tích cực hơn của các tập đoàn đa quốc gia của Phần Lan (như Nokia, Kone), mở rộng hệ sinh thái công nghệ và ĐMST tại Việt Nam dưới các hình thức như: thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển; thành lập trung tâm ĐMST tại một số trường đại học lớn của Việt Nam; cung cấp các học bổng đào tạo để giúp phát triển nguồn lực KH&CN cho Việt Nam…
Thứ năm, Phần Lan nghiên cứu khả năng hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án Inclusive Innovation, như là một sự nối dài của Chương trình IPP đã rất thành công trước đây. IPP đã tạo ra một nền tảng hiệu quả, không chỉ cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, mà còn là một minh chứng về mô hình phát triển quốc gia dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST.
Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Keijo Novanto đã bày tỏ sự đồng tình với những hướng đi và đề xuất của Bộ KH&CN trong thời gian sắp tới. Đại sứ Keijo Novanto khẳng định sẽ luôn ủng hộ các đề xuất từ Bộ KH&CN, tin tưởng mạnh mẽ vào hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và ĐMST và mong muốn tiếp tục mối quan hệ hợp tác song phương với mục tiêu phát triển bền vững.
Xuân Bình