Thứ bảy, 08/10/2022 15:43

Giải Nobel Hòa bình năm 2022 tôn vinh cá nhân và các tổ chức hoạt động vì nhân quyền

Giải Nobel Hòa bình năm 2022 được trao cho nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski tại Belarus, Tổ chức nhân quyền Memorial ở Nga và Trung tâm Tự do dân sự tại Ukraine. Với nhiều năm cổ vũ và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân bằng những nỗ lực ghi lại các tội ác chiến tranh, vi phạm nhân quyền và lạm dụng quyền lực, họ đã chứng minh tầm quan trọng của xã hội dân sự đối với hòa bình và dân chủ ở các quốc gia.

Ales Bialiatski (sinh năm 1962, tại Karelia, Nga) là một trong những người khởi xướng phong trào dân chủ nổi lên ở Belarus vào giữa những năm 1980. Ông đã dành cả cuộc đời mình để thúc đẩy dân chủ và phát triển hòa bình trên quê hương mình. Năm 1996, ông đã thành lập tổ chức Viasna (Spring) để phản ứng với những sửa đổi hiến pháp gây tranh cãi (sửa đổi này nhằm trao cho tổng thống quyền lực độc tài, do vậy, đã “khơi mào” cho các cuộc biểu tình nổ ra rộng khắp). Viasna đã hỗ trợ những người biểu tình bị bỏ tù và gia đình của họ. Trong những năm sau đó, Viasna đã phát triển thành một tổ chức nhân quyền hoạt động mạnh mẽ nhằm ghi lại chi tiết các hồ sơ và phản đối việc chính quyền sử dụng hình thức tra tấn đối với các tù nhân chính trị.

Ales Bialiatski đã bị bắt giam từ năm 2011 đến năm 2014. Sau các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại chế độ vào năm 2020, ông lại bị bắt. Ông vẫn bị giam giữ mà không hề có xét xử. Bất chấp những khó khăn to lớn đã gặp phải, Ales Bialiatski vẫn không hề nhượng bộ trong cuộc chiến đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Belarus.

Tổ chức nhân quyền Memorial được thành lập vào năm 1987 bởi các nhà hoạt động nhân quyền ở Liên Xô cũ, những người muốn đảm bảo rằng các nạn nhân của sự áp bức bởi chế độ cộng sản sẽ không bao giờ bị lãng quên. Ông Andrei Sakharov và nhà hoạt động nhân quyền Svetlana Gannushkina nằm trong số những người sáng lập tổ chức này. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Memorial phát triển trở thành tổ chức nhân quyền lớn nhất ở Nga. Ngoài việc thành lập một trung tâm tài liệu về các nạn nhân của thời kỳ Stalin (chế độ độc tài), Memorial còn biên soạn và hệ thống thông tin về áp bức chính trị và vi phạm nhân quyền ở Nga. Memorial trở thành nguồn thông tin có thẩm quyền nhất về các tù nhân chính trị trong các cơ sở giam giữ của Nga. Tổ chức này cũng luôn đi đầu trong các nỗ lực chống lại chủ nghĩa quân phiệt, thúc đẩy nhân quyền và chính phủ dựa trên pháp quyền.

Trung tâm Tự do dân sự được thành lập tại Kyiv (thủ đô của Ukraine) vào năm 2007 với mục đích thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Ukraine. Trung tâm này hoạt động nhằm củng cố xã hội dân sự Ukraine và gây áp lực lên chính quyền để biến Ukraine trở thành một quốc gia dân chủ hoàn toàn. Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Trung tâm Tự do dân sự đã tham gia vào các nỗ lực xác định và ghi lại các tội ác chiến tranh của Nga đối với dân thường Ukraine. Trung tâm đang đóng vai trò tiên phong trong phối hợp với các tổ chức quốc tế khác nhằm buộc các bên có tội phải chịu trách nhiệm về tội ác của họ.

Bằng cách trao Giải Nobel Hòa bình năm 2022 cho ông Ales Bialiatski, Tổ chức Memorial và Trung tâm Tự do dân sự, Ủy ban Giải thưởng Nobel mong muốn vinh danh 3 “nhà vô địch” xuất sắc về nhân quyền, dân chủ và sự chung sống hòa bình ở 3 nước láng giềng Belarus, Nga và Ukraine. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc ủng hộ các giá trị nhân văn, chống chủ nghĩa quân phiệt và thượng tôn pháp luật, những người đoạt giải năm nay đã làm sống lại và tôn vinh tầm nhìn của Alfred Nobel về hòa bình và tình huynh đệ giữa các quốc gia.

Bắc Lê (Theo The Nobel Prize)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)