Như những năm trước, nghiên cứu không có sự thay đổi trong công cụ đo lường và đánh giá khi nhóm nghiên cứu cập nhật cơ sở dữ liệu của hơn 100.000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất (từ nguồn dữ liệu của Scopus) và xếp hạng của họ dựa vào các tiêu chí quan trọng như: chỉ số ảnh hưởng trong giới khoa học (composite score); tổng số trích dẫn (không bao gồm các tự trích dẫn); chỉ số Hirsch (h-index); chỉ số Schreiber (hm-index); số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất (single author); số trích dẫn cho các bài báo là tác giả chính (tên đầu tiên - first author và tác giả liên hệ - corresponding author), và tác giả cuối cùng - last author. Các nhà khoa học được phân chia vào 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành).
Theo bảng xếp hạng mới nhất vừa được cập nhật công bố ngày 10/10/2022, trong số các nhà khoa học Việt Nam cơ hữu đang công tác thường xuyên trong nước, có 2 nhà khoa học có mặt trong nhóm 10.000 và 34 nhà khoa học trong nhóm 100.000 nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2022.
2 nhà khoa học xếp hạng cao trong nhóm 10.000 thế giới là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và PGS.TS Lê Hoàng Sơn, đều từ Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, PGS.TS Lê Hoàng Sơn xếp hạng 5.817 và vị trí 222 trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức xếp hạng 7.455 và vị trí 94 thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật (Engineering). Như vậy GS Nguyễn Đình Đức và PGS Lê Hoàng Sơn có mặt trong nhóm 10.000 nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp từ 2019 đến nay.
GS Nguyễn Đình Đức (trái) và PGS Lê Hoàng Sơn.
Những kết quả đáng tự hào này một lần nữa khẳng định sự lớn mạnh và vị thế của các nhà khoa học Việt Nam được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận. Đây cũng là thành quả của sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, khoa học, công nghệ trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ với trình độ và các hướng nghiên cứu tiên tiến của thế giới.
VVH