Thứ sáu, 11/11/2022 08:15

Nghiên cứu xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 10/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị tham vấn xây dựng đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có lợi thế nhất trong sản xuất lúa, đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu, với điều kiện tự nhiên phân hai vùng: phù sa ngọt phù hợp với sản xuất hai vụ lúa/năm và có thể luân canh 2 lúa - màu; vùng ven biển phù hợp với sản xuất lúa chất lượng cao hoặc lúa hữu cơ trong cơ cấu tôm - lúa. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo còn hạn chế, xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp, thu nhập của nông dân trồng lúa không tương xứng với các tác nhân trong kinh doanh xuất khẩu gạo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ khâu sản xuất, sau thu hoạch, chế biến, thị trường, cơ sở hạ tầng và hậu cần đến công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông cũng như thể chế, chính sách. Do vậy, mục tiêu của đề án được đưa ra là: đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; hình thành và nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; xuất khẩu gạo, sản phẩm từ gạo, phụ phẩm từ sản xuất lúa có chất lượng và giá trị cao…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, có nhiều vấn đề đặt ra trong việc xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao nên mục đích của Hội nghị này là tìm kiếm sự đồng thuận về tư duy, từ đó có định hướng thực hiện xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, hiệu quả với quan điểm lúa chất lượng cao không chỉ đơn giản là giống, mà còn là quy trình canh tác, giá trị của hạt gạo cũng như giá thành sản phẩm… Thông qua Hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn nhận được sự ủng hộ của người sản xuất, doanh nghiệp, chuyên gia và các tổ chức quốc tế để thực hiện thành công đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Tại Hội nghị, các chuyên gia cho rằng, trong nhiều năm nay, gạo trắng của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và tạo được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng trên toàn thế giới. Lúa gạo đã được xác định là nòng cốt của an ninh lương thực quốc gia, tuy nhiên câu chuyện nông dân trồng lúa có thu nhập thấp vẫn còn đó, chưa giải quyết được. Bên cạnh đó, ngành lúa gạo đang đặt ra nhiều vấn đề lớn về môi trường, trong đó có việc chiếm hơn 50% tổng lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp cần phải được khắc phục để góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, đề án 1 triệu ha là bài toán cần phải giải đúng, để biến đề án thành hình mẫu chứng tỏ nông dân trồng lúa có mức thu nhập khá giả và ngành lúa gạo là một ngành thịnh vượng. Theo đó, đề án phải tạo ra sự khác biệt, phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời, sản xuất phải theo quy trình, thân thiện với môi trường, giảm thiểu sử dụng tài nguyên và giảm được phát thải khí nhà kính.

CT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)