APFITA được tổ chức thường niên từ năm 1998 tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Indonesia, Thái Lan… nhằm khai thác tiềm năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp. Hội nghị này nhằm kết nối các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, trường đại học từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ về những công nghệ tiên tiến, xu hướng, thách thức và giải pháp liên quan đến công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Chử Đức Trình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ nhấn mạnh: Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng thì nền nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, vì vậy để giải quyết những thách thức này cần sự phối hợp thông qua chính sách và công nghệ. Để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp dựa trên thế mạnh là một trong những đơn vị được công nhận là trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ đã thành lập Khoa Công nghệ nông nghiệp vào năm 2018. Nhà trường mong muốn những công nghệ tiên tiến của lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học máy tính, cơ điện tử và tự động hóa, công nghệ sinh học và công nghệ nano… sẽ được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và hướng tới tương lai phát triển cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Năm nay, hội nghị thu hút được hơn 120 đại biểu đến từ 8 quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương với 83 báo cáo tóm tắt và toàn văn. Các báo cáo chủ yếu tập trung vào các chủ đề: đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và canh tác kỹ thuật số; công nghệ thông tin trong nông nghiệp; phân tích dữ liệu, quang phổ hình ảnh cho các ứng dụng nông nghiệp; chính sách nông nghiệp trong kỷ nguyên số hóa.
TN