Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp nhấn mạnh nếu chúng ta không nhìn nhận năng suất một cách khách quan với lực kéo là từ vấn đề thị trường thì sẽ rất khó làm năng suất. Hội thảo là diễn đàn để chia sẻ kết quả nghiên cứu; đưa ra các đề xuất, kiến nghị mới về thúc đẩy năng suất với Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chúng ta nhìn nhận vấn đề năng suất không chỉ trên góc độ công cụ nâng cao năng suất, hoặc các giải pháp quản lý. Các góc nhìn như vậy sẽ không kịp thời vì các giải pháp, hệ thống quản lý luôn luôn đi cùng với hiện trạng của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường. Chúng ta mong muốn nhìn nhận góc độ thúc đẩy năng suất dựa trên các vấn đề về thể chế, làm sao có cách thức để rà soát, đánh giá thể chế, cởi trói, tạo không gian, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước có thể thúc đẩy nâng cao năng suất.
Tại hội thảo, đại diện Phụ trách chương trình APO Arsyoni Buana cho biết, một trong những thông điệp và phương pháp tiếp cận của APO là triển khai các hoạt động và coi đó là động cơ để giúp các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, APO cũng mong muốn là một trong những đối tác chính sách của Chính phủ các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam để có thể tăng cường hơn nữa về năng suất, trong bối cảnh rộng hơn, ngoài năng suất còn liên quan đến lao động và các yếu tố khác như chất lượng, phát triển năng lực… đó chính là lý do vì sao APO triển khai tất cả những hoạt động này bởi trong viễn cảnh 2025, APO muốn giúp các quốc gia thành viên đạt được tiến độ về mặt kinh tế, xã hội và xem đó là trụ cột để tiến hành phát triển kinh tế.
Ngoài ra, APO cũng đã có sự kết nối với các bên liên quan trong kế hoạch phát triển năng lực thể chế cho Tổ chức Năng suất quốc gia của Việt Nam. Trong kế hoạch này, APO phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam và các tổ chức khác với mong muốn hỗ trợ, tăng cường cơ cấu, tăng cường năng lực thể chế để giúp các cơ quan có nhiều năng lực hơn, đảm nhiệm cũng như có trách nhiệm trong vai trò nâng cao năng suất trong nền kinh tế. Bên cạnh kế hoạch tăng cường năng lực thể chế, APO cũng mong muốn có những chiến lược, định hướng để có thể tái cơ cấu ở Việt Nam. APO kỳ vọng có cơ hội thúc đẩy năng suất của Việt Nam và đưa ra những viễn cảnh, tầm nhìn cho Việt Nam đến năm 2025.
Về định hướng và giải pháp trong thời gian tới, các ý kiến tại hội thảo cho rằng, cần thúc đẩy năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng dựa trên hạ tầng kết nối, cơ chế đặc thù, phân cấp quản lý; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới (bao gồm công nghệ số) và phát huy đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động; đẩy nhanh quá trình chính thức hóa hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức; nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách về năng suất lao động quốc gia giai đoạn 2026-2030 để thúc đẩy và điều phối xử lý các vấn đề liên ngành đối với năng suất lao động.
Hà My