Thứ ba, 16/01/2024 16:17

Công bố Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023

“Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở Việt Nam 2023” với chủ đề “Thế giới phẳng của ĐMST” đã chính thức được phát hành ở dạng bản mềm và bản in, dưới 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Đây là năm thứ 3 Báo cáo được thực hiện với cấu trúc và diện mạo mới; tiếp tục là cơ sở dữ liệu toàn diện, uy tín, khắc họa toàn cảnh hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam trong năm 2023. Báo cáo được thực hiện bởi Nền tảng kết nối ĐMST mở BambuUP dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC).

Báo cáo năm 2023 tiếp tục là cơ sở dữ liệu uy tín, toàn diện và cập nhật nhất về hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam dành cho các nhà lãnh đạo, quản trị, phát triển chiến lược doanh nghiệp. Báo cáo tổng hợp số liệu khảo sát, phân tích, dự báo với sự cố vấn của hơn 45 chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực quản trị, phát triển chiến lược, khởi nghiệp, công nghệ, đầu tư… Báo cáo có giá trị tư vấn, định hướng cho doanh nghiệp về chiến lược ĐMST để có thể tồn tại và thích ứng trong thời kỳ được dự báo là tiếp tục có nhiều biến động sắp tới. Những tiềm năng và thách thức đối với doanh nghiệp tại Việt Nam được tổng hợp thông qua phân tích chuyên sâu về xu hướng ĐMST, xu hướng công nghệ trên thế giới, khu vực và tình hình cụ thể tại Việt Nam. Ngoài ra, Báo cáo còn đề xuất một số cách thức tiếp cận và hướng dẫn nhằm giúp doanh nghiệp tiến tới ĐMST mở, thuận lợi bước vào năm vận hành mới.

Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam 2023 được phát hành với mục tiêu giới thiệu những giải pháp ĐMST của Việt Nam ra thế giới mạnh mẽ hơn và đưa những giải pháp của thế giới về Việt Nam để tạo luồng chảy giao thoa tri thức và kinh nghiệm triển khai hoạt động ĐMST. Thay vì tổng hợp các nội dung vào 01 bản báo cáo dài duy nhất, Báo cáo được phát hành dưới dạng một bộ với 3 cuốn có nội dung khác nhau để phát huy tối đa nhu cầu của người đọc. Nội dung cụ thể bao gồm 3 chủ đề chính: Cuốn 1: Thế giới 2030 - Những xu hướng sẽ định hình tương lai; Cuốn 2: Hệ sinh thái ĐMST Việt Nam 2023; Cuốn 3: Thế giới phẳng của ĐMST.

Ở cuốn thứ nhất, Báo cáo tập trung vào các xu hướng và cách thức ĐMST trong doanh nghiệp và tập đoàn. Ngoài ra, phần nội dung này cũng phân tích sâu hơn về sự trỗi dậy của các loại hình kinh tế mới và xu hướng trong 3 lĩnh vực: bán hàng và tiếp thị 4.0; an ninh mạng và bảo mật dữ liệu; ứng dụng của Blockchain… Bên cạnh đó, nội dung cuốn này đã khẳng định lại tầm quan trọng của tài sản trí tuệ được đảm bảo đối với doanh nghiệp, chứ không chỉ là tài sản về thương hiệu hay công nghệ.

Cuốn thứ hai tập trung cập nhật về hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam và tổng kết tình hình đầu tư công nghệ tại Việt Nam năm 2023. Cuốn thứ hai cũng nối dài kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng ĐMST của 3 chủ thể (nhà nước, doanh nghiệp và startup) kể từ 2022. Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua, tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng về Chỉ số ĐMST toàn cầu so với 2022. Tuy nhiên, tình hình đầu tư công nghệ năm qua nhìn chung đã chững lại do suy thoái chung trên toàn cầu.

Cuốn thứ ba cũng là một trong những điểm mới quan trọng trong báo cáo năm nay. Hệ sinh thái ĐMST của Hàn Quốc; Israel; khu vực Vịnh Lớn (Quảng Đông - Macau - Trung Quốc); Thái Lan và Singapore đã được tổng hợp với sự tham gia của các đối tác tại từng quốc gia. Ngoài ra, 43 bản đồ giải pháp ĐMST ở các lĩnh vực đã được hoàn thiện với sự ghi danh của hơn 3.000 đơn vị startup và doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế. Con số này cao gấp đôi so với Báo cáo năm 2022 và đặc biệt Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore là 3 quốc gia nước ngoài có số lượng startup ghi danh nhiều nhất.

Ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc NSSC cho biết: Báo cáo có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam, đặc biệt là trong sự vận động của các xu hướng từ quốc tế. Tôi tin rằng, Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam 2023 sẽ tạo được nhiều tiếng vang cả trong nước và quốc tế, góp phần tạo nên bước chuyển mình để ĐMST Việt Nam bứt phá.

Từ các kết quả phân tích của Báo cáo năm nay, bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUP và cũng là Trưởng ban dự án Báo cáo chia sẻ: Năm 2023 là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Trước những biến động khó lường về địa chính trị và địa kinh tế như hiện nay thì nhiều dự báo cho thấy, năm 2024 sẽ vẫn tiếp tục là một năm với rất nhiều thách thức. Ban biên tập Báo cáo tin rằng, các tổ chức và doanh nghiệp sẽ tìm được những thông tin có giá trị và gợi mở cho những định hướng phát triển cần thiết trong Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam năm 2023.

Báo cáo năm 2023 không chỉ là nguồn thông tin và dữ liệu hữu ích mà còn là minh chứng cho một ‘Thế giới phẳng' thực sự của ĐMST với việc kết nối các hệ sinh thái ĐMST quốc tế lại gần nhau. Trong khuôn khổ Lễ công bố, ông David Kim - CEO The Invention Lab (Hàn Quốc), đã công bố một chương trình trong năm 2024 nhằm kết nối các nhà sáng lập tại Việt Nam và Hàn Quốc (Founder Meets Founder Program) dưới sự hợp tác giữa The Invention Lab và BambuUP, mở đường cho những doanh nghiệp “đa quốc tịch”, phát triển song song ở 2 thị trường đầy tiềm năng của châu Á. Ông cho biết: Founder Meets Founder sẽ giống như một chương trình tăng tốc, kết nối các nhà lãnh đạo, nhà sáng lập, trí tuệ và công nghệ ở 2 quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc hiện cùng chung lý tưởng, mục tiêu. Những startup được hình thành và lớn lên thuộc khuôn khổ chương trình, nhờ quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng sẽ có mức độ thấu hiểu văn hóa và khả năng tiếp cận thị trường cao hơn. Thông qua chương trình, chúng tôi nâng cao năng lực cho hệ sinh thái giải pháp ĐMST của 2 nước, để các doanh nghiệp và tập đoàn ở cả Hàn Quốc và Việt Nam có thể ĐMST nhanh hơn, với tỷ lệ thành công lớn hơn.

VVH

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)