Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và Ngày thành lập Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam 20/5. Hội thảo nhằm thảo luận hướng tới kết nối với các chương trình chuyên môn trong Tiểu ban Khoa học tự nhiên cũng như các Tiểu ban chuyên môn khác trong UNESCO.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo (ảnh: VAST).
Tại Hội thảo, đại diện TTNC&ĐTTHQT cho biết: từ năm 2020 đến nay, TTNC&ĐTTHQT đã hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra: kiện toàn bộ máy, trang bị cơ sở vật chất, xây dựng các bộ quy chế và quy định đảm bảo cho việc triển khai các hoạt động; xây dựng 12 đề tài xuất sắc và 40 đề tài đào tạo (postdoc, tiến sỹ, thạc sỹ); 81 công bố trên các tạp chí Web of Science; tổ chức 7 hội thảo quốc tế với hơn 240 nhà khoa học tham dự; đào tạo cho 10 trường quốc tế với 300 học viên; tổ chức 10 sự kiện quảng bá toán học và lan tỏa tinh thần của UNESSCO với hơn 2.000 người tham dự, 300.000 lượt theo dõi trực tuyến và 200 báo đài đưa tin...
Với TTVLQT, kể từ khi ra đời đến nay, hằng năm, TTVLQT phối hợp với Viện Vật lý và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài nước tổ chức từ 2 đến 3 lớp học quốc tế về vật lý, thu hút 50-100 học viên. Giai đoạn 2018-2023, Trung tâm đã tổ chức 17 lớp học quốc tế, chưa kể các lớp học trong nước, đào tạo nhiều học viên đến từ Việt Nam và các nước ASEAN. Trung tâm đã hỗ trợ đào tạo cho 02 nghiên cứu sinh từ Lào thông qua thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cùng với các nhóm nghiên cứu tại Viện Vật lý; hỗ trợ nhiều nghiên cứu sinh chuyên ngành vật lý, thông qua các đề tài nghiên cứu, tạo điều kiện để các nghiên cứu sinh có thể kết hợp nghiên cứu với các chuyên gia đầu ngành về vật lý. Các nghiên cứu sinh đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu và là cơ sở để hoàn thiện luận án tiến sỹ. Giai đoạn 2018-2023, Trung tâm đã thực hiện 74 nhiệm vụ. Tính đến nay, đã có 56 bài báo thuộc cơ sở dữ liệu Web of Science, 01 chương sách quốc tế và 14 bài báo trên tạp chí quốc gia. Đặc biệt, Trung tâm đã có những công bố trên tạp chí rất có uy tín như Nature, Physical Review Letters…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Chu Hoàng Hà khẳng định, nghiên cứu cơ bản được đánh giá là tiền đề, cơ sở để phát triển nhiều nghiên cứu KH&CN không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Năm 2022, Liên hợp quốc lựa chọn là “Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững”, trong đó tập trung vào các liên kết giữa các ngành khoa học cơ bản và các mục tiêu phát triển bền vững với thông điệp “thông qua sự hiểu biết cơ bản về tự nhiên, triển khai hiệu quả hơn các chương trình hành động vì lợi ích của tất cả mọi người”. Điều này cũng gắn kết với mục tiêu chủ đề của Ngày KH&CN Việt Nam năm 2024 “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo (ảnh: VAST).
Đánh giá cao những kết quả đạt được của hai trung tâm, GS.TS Trần Hồng Thái - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Tiểu ban Khoa học tự nhiên khẳng định, những kết quả này là sự kế thừa những thành tựu của hai viện: Viện Vật lý và Viện Toán học. Những kinh nghiệm của hai trung tâm (TTNC&ĐTTHQT và TTVLQT) sẽ đóng vai trò dẫn dắt để Việt Nam sẽ có thêm các trung tâm quốc tế dạng 2 được UNESSCO bảo trợ. Kết quả đạt được của hai trung tâm từng bước khẳng định được vai trò, vị thế của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản; góp phần vào thành tựu chung của 65 năm thành lập ngành KH&CN. Thứ trưởng Trần Hồng Thái đề nghị Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các viện/đơn vị trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế - cánh cửa hội nhập tốt nhất; tăng cường đào tạo cán bộ khoa học trẻ, hỗ trợ nhóm nghiên cứu mạnh… để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu cơ bản nói riêng, hoạt động nghiên cứu và phát triển nói chung của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng như của Việt Nam.
VH