Thứ sáu, 17/01/2020 15:07

Startup Việt: Hòa mình vào thế giới

Trong năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước đi ấn tượng trên con đường hội nhập toàn cầu. Lần đầu tiên Việt Nam cử đại diện tham gia đấu trường khởi nghiệp quốc tế và startup thuần Việt Abivin đã giành được ngôi vị cao nhất. Lần đầu tiên Techfest Vietnam được diễn ra ở ba nước: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, mang lại cho các startup Việt nhiều trải nghiệm quý giá; bước đầu tạo nền móng kết nối mạng lưới toàn cầu cho startup Việt thông qua các ký kết và hoạt động quan trọng.


Trong năm 2019, tổng nguồn vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam là hơn 800 triệu USD. Đặc biệt, có những thương vụ quy mô rất lớn như thương vụ đầu tư vào VNLIFE  lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính của khu vực, vượt qua cả Singapore. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất ASEAN. Quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng, cho thấy tiềm năng hình thành các Kỳ lân mới  tại Việt Nam là rất thực tế. Giấc mơ về một quốc gia khởi nghiệp đang dần được hiện thực hóa.
Nhân dịp đầu xuân, chúng ta hãy cùng lắng nghe chia sẻ của những người đang tích cực góp phần đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam gần hơn với thế giới, để tin tưởng vào những thành quả lớn lao hơn nữa trong thập niên mới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: Tiếp tục hỗ trợ để startup Việt vươn xa hơn

Bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, thông qua việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” - Đề án 844 , Bộ KH&CN đang tích cực hỗ trợ các startup Việt vươn xa hơn. Năm 2019 là năm đầu tiên Techfest Vietnam được diễn ra ở ba nước: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore. Thông qua những chuyến đi này, các startup Việt không chỉ được trình bày về mô hình kinh doanh của mình để kết nối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư uy tín trên thế giới; mà còn được tham gia vào những buổi làm việc với hàng trăm trí thức, chuyên gia, startup nước ngoài. Đây là những trải nghiệm thực tế rất tốt để các startup Việt học hỏi cũng như cọ sát với với môi trường quốc tế. Có thể nói, các hoạt động này đã bước đầu tạo nền móng kết nối mạng lưới toàn cầu cho startup Việt. Điển hình như tại Hoa Kỳ, Bộ KH&CN đã ký kết hợp tác với nhiều đại diện quan trọng như Ai20x, Pegasus Tech Venture (đơn vị tổ chức Startup World Cup). Theo đó, Techfest Vietnam chính thức trở thành đối tác vùng của Startup World Cup - cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu với sự tham dự của đại diện từ hơn 40 quốc gia trên thế giới. Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (đơn vị thuộc Bộ) cũng đã thống nhất với Ai20X về việc giới thiệu 5-10 startup mỗi năm sang ươm tạo tại Thung lũng Silicon, giúp startup Việt được hưởng các ưu đãi dịch vụ và gói hỗ trợ từ đơn vị này.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng hết sức quan tâm hỗ trợ chúng ta phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Gần đây nhất, Sáng kiến kinh doanh khu vực sông Mekong (MBI-ADB) đã phối hợp với các tổ chức có liên quan thực hiện sáng kiến Thành phố thông minh - Smartcityvn, nhằm thu hút các giải pháp đột phá, đổi mới sáng tạo xử lý các vấn đề tồn đọng của các đô thị. Các đại sứ quán, đặc biệt là của các quốc gia với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển như Phần Lan, Israel, Vương quốc Anh, Australia... rất tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kết nối chuyên gia, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa hệ sinh thái trong nước và quốc tế. Lợi thế của Việt Nam là đội ngũ nhân lực giỏi về công nghệ, giàu sức sáng tạo và đổi mới. Với sự hỗ trợ rất tốt từ Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ/ngành, các nhà đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp, nhiều chương trình ươm mầm khởi nghiệp, hỗ trợ startup đang phát triển mạnh mẽ… Tôi tin rằng không bao lâu nữa, các startup Việt sẽ tạo được dấu ấn trong hệ sinh thái khởi nghiệp của thế giới bằng những màn gọi vốn hiệu quả.
TGĐ Vintech City Trương Lý Hoàng Phi: Chúng ta đã là một phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp của thế giới

Nếu lên Google để tìm kiếm ba cụm từ “startup”, “innovation”, “vietnam” sẽ có hơn 6 triệu kết quả chỉ trong vòng 5 giây. Điều đó chứng minh cho sức nóng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Startup Việt giờ đây không chỉ nhìn ra thế giới nữa mà chúng ta đã là một phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp của thế giới. Tất cả những thành quả thời gian qua giúp chúng ta hòa mình vào thế giới nhanh hơn.
Tuy nhiên, để có thể đi xa, các startup Việt phải có nội lực và không thể thiếu sự kết nối trong và ngoài nước. Vintech City ra đời với sứ mệnh triển khai các chương trình, hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng và hỗ trợ cho các startup công nghệ, đóng vai trò như một Silicon valley của Việt Nam. Vintech Fund  thông qua việc hỗ trợ cho các câu lạc bộ khởi nghiệp sẽ tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp chuyên sâu và thực tế cho sinh viên, hỗ trợ đào tạo tư duy, phương thức vận hành mô hình khởi nghiệp công nghệ từ trong trường đại học, đồng thời định hướng và phát hiện sớm các tài năng có phẩm chất cần thiết để hỗ trợ cung cấp các nguồn lực hữu ích. Từ khi thành lập đến nay chưa đầy 1 năm, nhưng Vintech Fund đã thu hút được hơn 1.100 nhà nghiên cứu, startup trong và ngoài nước, với hơn 200 hồ sơ tham gia, 12 dự án nghiên cứu với 86 tỷ đồng đã được giải ngân. Chúng tôi tin tưởng, VinTech Fund sẽ góp phần giúp nền kinh tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có thêm nhiều startup công nghệ thành công. Đồng thời, VinTech City sẽ góp phần tạo nên một tinh thần của “Silicon valley”, một nền tảng hỗ trợ thiết thực cho các tài năng công nghệ để các startup Việt vươn tầm theo chuẩn “Silicon valley”.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân : Startup cần có tư duy toàn cầu ngay từ khi hình thành

Trong thời đại ngày nay và cả tương lai, sự phát triển của công nghệ đang dần thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia. Khi bắt đầu kinh doanh là lúc các startup bắt đầu phải cạnh tranh với những startup trong khu vực và trên thế giới. Với sự chuyển động như vậy của thị trường, nếu các startup không nghĩ thị trường là toàn cầu ngay từ khi thành lập thì chính startup đang tự giới hạn sự thành công của mình trong tương lai. Tôi cho rằng, tư duy toàn cầu tức là khi các startup Việt chưa đi đâu hết đã nghĩ đến việc cần phải có mặt trên thế giới, hiểu rằng chúng ta là công dân có thể hoạt động trên toàn thế giới, tham gia kinh doanh trên toàn thế giới...
Mặt khác, các startup Việt muốn thành công cần phải hội nhập vào tri thức và thị trường của thế giới. Nếu chúng ta có một ý tưởng mới mà chúng ta chưa biết là với ý tưởng đó thì công nghệ mới nhất hiện nay trên thế giới là như thế nào, các startup và doanh nghiệp trên thế giới hiện nay đang hoạt động với mức độ ra sao, họ đã đi đến đâu, và đã vươn ra thị trường thế giới như thế nào thì khả năng cạnh tranh của chúng ta sẽ không cao. Còn khi đã xác định vươn ra thế giới rồi thì điều quan trọng nhất của startup là phải hiểu giá trị văn hóa của những đối tác ở quốc gia mà mình hướng tới; đồng thời phải thể hiện được đam mê, cảm hứng sáng tạo theo cách riêng của mình trước cộng đồng quốc tế.
CEO Abivin Phạm Nam Long : Mong các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sẽ tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh

Sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Đề án 844 đã giới thiệu các chuyên gia, cố vấn, đứng ra chủ trì tổ chức các chương trình và kết nối Abivin với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Thông qua việc tham gia các sự kiện như Techfest Vietnam, Abivin có điều kiện để đến với các chương trình quốc tế và gặt hái được nhiều thành công như giành giải “Startup Logistics và chuỗi cung ứng tốt nhất” ở Giải thưởng tôn vinh cộng đồng khởi nghiệp ASEAN - Rice Bowl Startup Awards (RBSA) , vô địch cuộc thi Startup World Cup tại Mỹ; đồng thời có điều kiện học hỏi, cọ sát để trưởng thành và mở rộng kết nối, hợp tác đầu tư với các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay chúng tôi đang tập trung hướng đến khu vực ASEAN với các thị trường tiềm năng như Myanmar, Malaysia, Singapore hay Thái Lan, hoặc một số nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.
    Theo tôi, để thành công khi "xuất ngoại", startup trong nước cần nghĩ đến mục tiêu này ngay từ khi mới thành lập; dành thời gian nghiên cứu thị hiếu khách hàng; theo dõi các tên tuổi đã thành công để làm bài học kinh nghiệm cho mình… Tôi cũng mong muốn Chính phủ có chủ trương hỗ trợ vốn cho các startup như một số nước có phong trào khởi nghiệp phát triển; tiếp tục nghiên cứu, ban hành chế độ, chính sách thuận lợi cho huy động vốn nước ngoài; tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất của thế giới vào Việt Nam, sớm hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ở các thành phố lớn của đất nước, duy trì và mở rộng các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Nhà sáng lập MultiGlass Lê Hoàng Anh: Mong muốn góp phần ghi tên Việt Nam trên bản đồ khởi nghiệp thế giới

    Trở thành quán quân của cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019 là một vinh dự đối với công ty Multi Việt Nam chúng tôi. Hiện tại công ty chúng tôi đang củng cố lại các số liệu, mô hình kinh doanh cũng như tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận để chuẩn bị đại diện cho startup Việt Nam tham gia cuộc thi Startup World Cup 2020 được tổ chức tại San Francisco, Mỹ. Chúng tôi hy vọng sẽ giành chiến thắng như Abivin để góp phần ghi tên Việt Nam trên bản đồ khởi nghiệp thế giới. Bên cạnh đó, công ty chúng tôi cũng đang xúc tiến việc triển khai sản phẩm ra thị trường nước ngoài như Singapore, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu... Thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass tích hợp 3 nền tảng công nghệ: công nghệ multi iris recognition,  IoT và trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp giám sát hoạt động của tài xế, cảnh báo buồn ngủ cho tài xế, giảm tai nạn giao thông. Hiện tại MultiGlass đi theo hướng thị trường khá ngách, và giải quyết vấn đề cụ thể trong ngành logistic nên luôn coi mọi người là đối tác hơn là đối thủ.
Các startup ở Việt Nam có một thế mạnh là đam mê và nhiệt huyết, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để tạo ra được một sản phẩm làm đòn bẩy cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam phát triển theo. Tôi mong muốn Việt Nam có nhiều cơ chế và chính sách hỗ trợ các startup về công nghệ, hỗ trợ đưa các startup Việt ra nước ngoài để kết nối đầu tư và tìm kiếm các cơ hội hợp tác ở thị trường nước ngoài; ngoài ra nên giảm bớt các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ và rút ngắn thời gian xét duyệt đầu tư, để startup yên tâm nhận được các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Khởi nghiệp là một cuộc chiến trường kỳ, nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và công sức, vì vậy startup phải luôn kiên trì, tạo ra những sản phẩm mà thị trường cần, có ích cho cộng đồng và xã hội. Đây cũng chính là kim chỉ nam của tôi khi tạo ra các sản phẩm công nghệ.



 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)