Nguyễn Trường Xuân1, Nguyễn Đình Kỳ2, Lê Thị Kim Thoa3, Lê Đức Hoàng3, Đinh Bảo Ngọc1
1Trung tâm Hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật, Trường Đại học Mỏ - Địa chất
2Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 2016-2020, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
3Viện Địa lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
Sau các chương trình Tây Nguyên, đặc biệt là Tây Nguyên 3 (giai đoạn 2011-2015), đến nay Ban Chủ nhiệm chương trình đã tập hợp được một hệ thống các dữ liệu, tư liệu đồ sộ gồm tài liệu điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội dưới dạng các báo cáo khoa học, bản đồ chuyên đề, Atlas tổng hợp, các bài báo khoa học trong nước, bài báo quốc tế, sách chuyên khảo… cho 5 tỉnh Tây Nguyên và nhiều tài liệu quý khác về lịch sử xây dựng, phát triển và bảo vệ an ninh kinh tế tại khu vực này. Trong các kết quả của Chương trình Tây Nguyên 3, đặc biệt có hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) và Atlats điện tử tổng hợp đã được thiết lập, với hệ thống 1 máy chủ tại Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (cũ) và 5 máy tính quản lý CSDL tại các Sở KH&CN thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên. Song cho đến nay, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã hoàn thành nhiệm vụ và giải thể, việc truyền thông và quản trị CSDL này bị gián đoạn và gặp nhiều bất cập. Nhận thấy vấn đề này, trong khuôn khổ Chương trình Tây Nguyên 2016-2020, Ban Chủ nhiệm đã phê duyệt và cho triển khai thực hiện nhiệm vụ "Hoàn thiện chuyển giao mô hình tích hợp thư viện điện tử (TVĐT) và Altas điện tử Tây Nguyên phục vụ quản trị và truyền thông CSDL KH&CN". Bài báo trình bày sự cần thiết của TVĐT tại Tây Nguyên và phương pháp xây dựng CSDL cho mô hình tích hợp TVĐT và Atlas điện tử Tây Nguyên.