Nguyễn Bích Hà Vũ1*, Võ Công Thành2
*Tác giả chính: Tel: 0918181475, Email: nguyenbichhavu@tgu.edu.vn
1Khoa Khoa học Cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ
2Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ
Ngày nhận bài: 06/02/2015; ngày chuyển phản biện: 13/02/2015; ngày nhận phản biện: 08/04/2015; ngày chấp nhận đăng: 14/04/2015
Tóm tắt:
Nghiên cứu sự thích nghi của cây lúa chống chịu mặn nhằm tìm hiểu những biểu hiện cấu trúc tế bào giúp cây mạ thích nghi với điều kiện mặn ở 12,50; 15,63; 18,75 và 21,88 dS/m trong dung dịch dinh dưỡng [1]. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức lô phụ với 2 lần lặp, lô chính gồm 5 nghiệm thức mức độ mặn và lô phụ là 5 giống lúa. Sau 8 ngày thử mặn, tiến hành đo độ mặn của giọt nước hình thành trên lá vào buổi sáng, quan sát lát cắt ngang mẫu lá và rễ, điện di protein ở rễ, bẹ lá và lá cây mạ. Kết quả cho thấy, nồng độ muối trên chóp lá của giống NQB mùa (chịu mặn) thấp hơn các giống còn lại (71,1 dS/m). Quá trình tẩm suberin và lignin ở rễ xảy ra nhanh khi trồng trong điều kiện mặn ở các giống. Đặc biệt ở vùng ngoại bì, sự tẩm suberin và lignin của các giống chống chịu mặn xảy ra ở vị trí 10 mm, trong khi ở giống IR28 là 25 mm. Hơn thế nữa, các giống lúa chống chịu mặn còn tăng tích lũy một số protein có trọng lượng phân tử 135,90 và 31,81 kDa ở bẹ lá và rễ; 115,58 kDa ở bẹ lá và 54 kDa ở lá.