Ngày nhận bài: 27/02/2015; ngày chuyển phản biện: 06/03/2015; ngày nhận phản biện: 26/03/2015; ngày chấp nhận đăng: 03/04/2015
Tóm tắt:
Nói đến hệ giá trị Việt Nam, người ta thường hiểu đó là hệ giá trị của người Việt - người Việt Nam nói chung, gồm tất cả 54 dân tộc với 8 nhóm ngôn ngữ chủ yếu. Nhưng lại chẳng có gì sai nếu ai đó gọi đó là hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Điều này do sự thống nhất nội tại giữa văn hóa và con người quy định. Nói đến văn hóa là nói đến con người. Không có thứ văn hóa nào không thuộc về con người, không liên hệ gì với con người. Ở giá trị, sự thống nhất giữa văn hóa và con người đạt đến độ rất cao, nếu không muốn nói là cao nhất. Giá trị thể hiện mặt văn hóa của sự đánh giá. Hay - dở, tốt - xấu, cao cả - thấp hèn, thành đạt - thất bại, tiến bộ - tụt hậu... đó không chỉ là những phẩm chất nằm trong đối tượng, là thuộc tính của đối tượng, mà còn là cái nằm giữa đối tượng và con người, người đánh giá. Nhu cầu và lợi ích khác nhau giữa những người đánh giá, giữa các cộng đồng khác nhau, cho phép đối tượng đánh giá hiện ra trước mắt con người với những diện mạo có thể khác nhau. Tuy nhiên, nói như vậy lại không có nghĩa rằng, đánh giá là cái gì đó có thể tùy tiện hay vô nguyên
tắc. Sự tiến bộ của cộng đồng thế giới ngày nay sinh ra những nguyên tắc chung, những quy luật chung và cả những mực thước chung. Thoát ly khỏi nhu cầu chung, mực thước chung của cộng đồng hay của toàn nhân loại, con người có thể tuột ra khỏi văn hóa. Điều này vô cùng hệ trọng đối với việc xác định hệ giá trị Việt Nam.