Sạt, trượt bờ dốc - Tai họa luôn tiềm ẩn
PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh - Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, tai biến trượt đất ở nước ta những năm gần đây ngày càng có xu hướng gia tăng quy mô ở khắp các vùng/miền trong mùa mưa bão (thậm chí có thể xảy ra ngay cả khi không có mưa bão, lũ lụt…), gây thiệt hại lớn về người cũng như tài sản.
PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh - Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh dẫn chứng, mùa mưa năm 2023, do tác động của các hoạt động như xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, hạ tầng các khu dân cư, khai thác mỏ cùng với hiện tượng mưa lũ cực đoan đã kích hoạt sụt trượt đất đá tại nhiều nơi như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, thậm chí ngay tại Sóc Sơn (Hà Nội) đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Đặc biệt, đầu tháng 9 năm nay, cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) và hoàn lưu của bão đã tàn phá nhiều tỉnh/thành phố miền núi phía bắc (ước tính thiệt hại do bão số 3 là khoảng 40.000 tỷ đồng), trong đó có rất nhiều tỉnh xảy ra hiện tượng sạt trượt đất, đá.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, bão số 3 đã khiến hơn 250.000 căn nhà, 1.300 trường học và rất nhiều công trình hạ tầng giao thông, xây dựng bị cuốn trôi, sập đổ. Các chuyên gia dự báo, năm 2024, trước diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan, đặc biệt là các loại thiên tai nguy hiểm như lũ quét và trượt lở đất…
Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng cho biết, đặc điểm của hiện tượng đá lăn, đá rơi ở các khu vực đồi núi là xảy ra nhanh và tức thời nên các phương tiện tham gia giao thông phía dưới không đủ thời gian để phản ứng và xử lý, nhất là những đoạn đường có tốc độ cao. Bên cạnh đó, các khối đất, đá khi bị trượt lở thường có khối lượng lớn, nên sức phá hủy đối với công trình và phương tiện cũng như khả năng sát thương với người và vật nuôi là rất cao. Các nguyên nhân chính kiến đá bị rơi gồm: kết cấu địa tầng (thế nằm bất lợi, đá nứt nẻ mạnh, nước ngầm…); môi trường (mưa, gió, động đất, cây cối, động vật đào hang…); do con người (thi công nổ phá kém, rung động từ phương tiện đi lại, thiết kế mái dốc kém).
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Công ty ChungAm Enc cho rằng, trượt lở đất, đá là loại hình thiên tai nguy hiểm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, tại các khu vực miền núi phía Bắc hay miền Trung của Việt Nam thường có nhiều đồi núi, địa hình dốc và phải hứng chịu nhiều trận bão trong năm nên hiện tượng sạt lở đất, đá càng trở lên phức tạp, khó lường.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phòng tránh
Các chuyên gia cảnh báo, chỉ với một trận mưa do bão số 3 gây ra, riêng sụt trượt đất, đá đã xảy ra ở hầu khắp các tỉnh phía Bắc trên các tuyến giao thông vùng núi, gây hại rất nặng nề về người và tài sản. Sụt trượt hay sạt lở đất, đá là một dạng tai biến địa chất nguy hiểm, hằng năm gây thiệt hại rất lớn cả về người và tài sản, ngay cả với những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Việt Nam, với 3/4 diện tích lãnh thổ là vùng đồi, núi, trong đó hệ thống giao thông đường bộ qua vùng núi chiếm tỷ trọng lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Việc xây dựng hệ thống giao thông đường bộ khi cắt qua vùng đồi núi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông khi thường xuyên phải đối mặt với tình trạng sạt lở. Dù đã và đang có nhiều nghiên cứu, áp dụng các giải pháp phòng chống, giải pháp ứng phó với sụt trượt những năm qua, nhưng thiệt hại do sụt trượt gây ra vẫn là bài toán nan giải. Việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại trong phòng chống cũng như phòng tránh sụt trượt trên đường giao thông vùng núi, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do loại tai biến địa chất nguy hiểm này gây ra là rất cấp thiết.
Ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng chia sẻ tại Hội thảo.
Ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng cho biết, là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm, giải pháp công nghệ phục vụ xây dựng công trình giao thông và dân dụng công nghiệp, Công ty đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp ổn định bờ dốc, phòng chống đá lở, đá rơi bằng kết cấu lưới thép cường độ cao. Công nghệ này đã được áp dụng tại rất nhiều dự án như: dự án xử lý sạt trượt mái taluy dương đường Nguyễn Tất Thành, tỉnh Bình Định, dự án tuyến tránh Sơn La (quốc lộ 6), dự án cáo tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án cao tốc Vân Đồn - Hạ Long… Theo đó, hiệu quả ngăn giữ đã phát huy tốt hiện tượng các tảng hay mẫu đá rơi xuống đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Bổ sung vào những giải pháp để phòng chống sụt trượt đất, đá trên đường giao thông, đại diện Công ty ChungAm Enc đã đưa ra giải pháp bán hầm thép lượn sóng lắp ghép phức hợp. Theo đó, hầm thép lượn sóng lắp ghép phức hợp có nhiều ưu điểm hơn so với hầm bằng bê tông cốt thép đang được áp dụng hiện nay khi áp dụng tránh trượt, tránh đá rơi trên đường ô tô mà nơi có vị trí sụt trượt phức tạp. Cùng với đó, từ các dự án điển hình tại Hàn Quốc, đại diện Công ty ChungAm Enc đã khuyến nghị khung pháp lý sử dụng khi thiết kế cũng như cơ sở lý thuyết tính toán khi thiết kế kiểu hầm thép lượn sóng lắp ghép phức hợp.
Theo các chuyên gia, sụt trượt đất, đá là dạng tai biến nguy hiểm nên rất cần có thêm nhiều nghiên cứu mới nhằm đánh giá cơ sở khoa học và thực tiễn để phát triển ứng dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp, góp phần phòng tránh và giảm thiểu các thiệt hại do sụt trượt đất, đá gây ra trên các tuyến giao thông vùng núi.
Phong Vũ