Thứ năm, 26/09/2024 11:08

Vị trí đặt máy khử rung tim mới tăng khả năng sống sót sau cơn đau tim

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí JAMA Network Open, việc đặt các miếng dán khử rung tim lên ngực và lưng, thay vì đặt cả hai miếng trên ngực (như phương pháp thông thường) giúp tăng khả năng sống sót sau ngừng tim ngoài bệnh viện hơn 2,64 lần.

Thực tế, cơ hội sống sót sau ngừng tim ngoài bệnh viện (OHCA) là rất thấp. Cơ hội để khôi phục được tuần hoàn chỉ 30% trường hợp và cơ hội sống sót chỉ là 10%. Tuy nhiên, cơ hội sống sót có thể được tăng lên nhờ việc sốc điện nhanh chóng - sử dụng miếng dán điện cực lên ngực để tạo cú sốc điện làm tim đập trở lại bình thường.

Thay đổi vị trí của miếng đệm máy khử rung tim có thể cải thiện tỷ lệ sống sót sau cơn ngừng tim.

Thông thường, ở người lớn, một miếng dán khử rung tim được đặt bên phải ngực, ngay dưới xương đòn và miếng còn lại đặt phía dưới nách bên trái. Cách này được gọi là định vị trước - bên (anterior-lateral hay AL). Liệu việc sử dụng vị trí đặt miếng dán khác có cải thiện kết quả sau ngừng tim không? Đây là điều các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa và Khoa học Oregon (Mỹ) đã tìm hiểu trong nghiên cứu mới đây của họ.

Bác sỹ Joshua Lupton - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, thời gian ngừng tim càng ngắn thì kết quả càng tốt. Nếu não bị thiếu máu quá lâu, cơ hội hồi phục sẽ giảm đi đáng kể. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu dịch tễ học về ngừng tim Portland, Oregon (Mỹ) từ năm 2019 đến năm 2023. Cơ sở dữ liệu này đã ghi lại chi tiết vị trí đặt miếng dán khử rung ở những bệnh nhân OHCA có nhịp tim bất thường, như rung thất (VF) hoặc nhịp nhanh thất không mạch (pVT).

Nhịp tim liên quan đến ngừng tim được chia thành 2 nhóm: nhịp có thể sốc điện (VF hoặc pVT) và nhịp không thể sốc điện (ngừng tim hoàn toàn hoặc hoạt động điện vô mạch, PEA). Trong trường hợp thứ 2, việc sốc điện không có tác dụng. Ngừng tim hoàn toàn là khi hoạt động điện và cơ học của tim đã ngừng, không có nhịp tim (thường gọi là tim ngừng đập). Với PEA, hoạt động điện của tim quá yếu để bơm máu. Đối với nhịp có thể sốc điện, dẫn truyền điện qua tim vẫn còn, nhưng các buồng dưới của tim co bóp quá nhanh (pVT) hoặc co bóp không đều (VF), khiến tim không thể bơm máu hiệu quả.

Tổng cộng 255 bệnh nhân OHCA đã tham gia nghiên cứu với độ tuổi trung bình là 66. Các nhà nghiên cứu đã xem xét vị trí đặt miếng dán khử rung và kết quả sau khi sốc điện. Kết quả chính là sự khôi phục tuần hoàn tự nhiên (ROSC). 38% bệnh nhân có miếng dán được đặt ở vị trí trước - bên, trong khi 62% được đặt theo phương pháp trước - sau (anterior-posterior), với một miếng đặt trên ngực và một miếng sau lưng. Bệnh nhân có miếng dán đặt theo phương pháp trước - sau có khả năng khôi phục tuần hoàn tự nhiên cao hơn 2,64 lần so với phương pháp trước bên.

Giáo sư Mohamud Daya - đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, điều quan trọng là luồng điện phải truyền từ một miếng dán sang miếng kia qua tim.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc “kẹp” tim giữa 2 miếng dán (trước và sau) có thể giúp luồng điện truyền qua tim rộng hơn, làm cho quá trình hồi sức hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng không phải lúc nào phương pháp trước - sau cũng có thể thực hiện được.

TXB (theo OHSU)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)