Thứ năm, 10/10/2024 17:18

Cần hành động mạnh mẽ để đối phó với biến đổi khí hậu

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học tại Đại học bang Oregon (Hoa Kỳ) dẫn đầu vừa công bố báo cáo thường niên kết luận rằng, các dấu hiệu sinh thái của Trái đất đang xấu đi một cách nhanh chóng. Báo cáo nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào giai đoạn khủng hoảng khí hậu mới, nghiêm trọng, khó lường và cần có hành động quyết liệt và cụ thể.

Các dấu hiệu quan trọng

Nghiên cứu do William Ripple - Đại học bang Oregon và Christopher Wolf điều phối đã xác định một số lĩnh vực cần thay đổi chính sách nhanh chóng để khắc phục tình trạng khủng hoảng khí hậu mới, gồm: năng lượng, ô nhiễm môi trường, tài nguyên thiên nhiên, thực phẩm và kinh tế. Báo cáo với tiêu đề “Tình trạng Khí hậu 2024: Thời kỳ nguy hiểm của Trái đất” đã được công bố trên Tạp chí BioScience.

Biến đổi khí hậu luôn là vấn đề nghiêm trọng.

Theo William Ripple, một phần lớn sự sống trên hành tinh chúng ta đang gặp nguy hiểm. Chúng ta đang ở giữa cuộc biến động khí hậu đột ngột, đe dọa tới sự sống trên Trái đất theo cách mà con người chưa từng thấy. Việc tiêu thụ tài nguyên vượt quá khả năng cung cấp của Trái đất đã đẩy hành tinh vào tình trạng khí hậu nguy hiểm.

Trong số 35 dấu hiệu sinh thái mà các nhà khoa học dùng để theo dõi biến đổi khí hậu, có 25 dấu hiệu đang ở mức cực đoan kỷ lục. Báo cáo đã chỉ ra, 3 ngày nóng nhất từng được ghi nhận đã xảy ra vào tháng 07/2024, trong khi lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, dân số con người và số lượng gia súc đều ở mức cao nhất mọi thời đại: Gia tăng dân số: Dân số thế giới tăng khoảng 200.000 người/ngày và số lượng gia súc nhai lại (như bò, cừu, dê) tăng thêm 170.000 con/ngày; Nhiên liệu hóa thạch: Lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch hằng năm tăng 1,5% trong năm 2023, chủ yếu do mức tăng 1,6% về than đá và 2,5% về dầu mỏ; Năng lượng tái tạo: Mặc dù năng lượng tái tạo như điện gió và mặt trời tăng 15% trong năm 2023, nhưng chỉ chiếm 1/14 lượng tiêu thụ so với nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, diện tích rừng toàn cầu bị mất đi tăng từ 22,8 triệu ha (trong năm 2022) lên 28,3 triệu ha (trong năm 2023). Mức độ carbon dioxide và metan trong khí quyển cũng đang ở mức cao kỷ lục. Báo cáo cũng chỉ ra một số lo ngại như: Nhiệt độ bề mặt Trái đất trung bình cao nhất mọi thời đại; Độ axit và nhiệt độ của đại dương, cũng như mực nước biển toàn cầu đều ở mức cực đoan; Khối lượng băng ở Greenland và Nam Cực, cùng độ dày trung bình của các sông băng đều ở mức thấp kỷ lục; Đã xác định được 28 vòng phản hồi khuếch đại, như sự tan chảy của tầng băng vĩnh cửu, làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu.

Năm 2023, ước tính có 2.325 ca tử vong liên quan đến nhiệt tại Hoa Kỳ (tăng 117% so với năm 1999).

Những hành động cần thiết

Để khắc phục tình trạng hiện tại, các nhà khoa học kêu gọi cần thực hiện nhiều chính sách mạnh mẽ hơn nữa, như: Đánh thuế carbon toàn cầu để hạn chế khí thải từ các nhóm giàu có và hỗ trợ tài chính cho các biện pháp khí hậu; Tăng cường hiệu quả năng lượng và thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo ít carbon; Kiểm soát khí thải nhà kính bao gồm metan, một trong những chất gây ô nhiễm ngắn hạn; Bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái đa dạng nhằm hỗ trợ chu trình và lưu trữ carbon; Khuyến khích chế độ ăn uống dựa vào thực vật nhằm giảm khí thải từ chăn nuôi; Giảm thiểu tiêu thụ quá mức và lãng phí của các nhóm giàu có; Tích hợp giáo dục về biến đổi khí hậu vào chương trình học toàn cầu.

Cần có những hành động mạnh mẽ để đối phó với khủng hoảng khí hậu.

Theo các nhà khoa học, dù đã có nhiều báo cáo khoa học và các hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm giải quyết biến đổi khí hậu, tuy nhiên tiến độ thực hiện vẫn còn rất chậm. Do đó, cần phải có những bước tiến lớn trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Xuân Bình (theo Oregon State University)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)