Các tế bào thần kinh thường chịu trách nhiệm lưu giữ ký ức (nguồn: internet).
GS Nikolay Kukushkin - Đại học New York (Hoa Kỳ), tác giả chính của nghiên cứu cho biết, thông thường học tập và ghi nhớ chỉ được liên kết với bộ não và các tế bào não, nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy, các tế bào khác trong cơ thể cũng có thể học hỏi và tạo ra trí nhớ. Nhóm nghiên cứu đã tìm cách hiểu rõ hơn liệu các tế bào phi thần kinh có tham gia vào quá trình ghi nhớ hay không bằng cách ứng dụng một thuộc tính thần kinh đã được biết đến từ lâu là hiệu ứng “massed-spaced”. Hiệu ứng này cho thấy chúng ta có xu hướng ghi nhớ thông tin tốt hơn khi học qua các khoảng nghỉ xen kẽ thay vì học liên tục, thường gọi là “nhồi nhét” kiến thức cho kỳ thi.
Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học đã mô phỏng quá trình học lặp lại theo thời gian bằng cách nghiên cứu 2 loại tế bào phi thần kinh trong phòng thí nghiệm (một từ mô thần kinh và một từ mô thận) và tiếp xúc chúng với các mẫu tín hiệu hóa học khác nhau - tương tự như cách các tế bào não tiếp xúc với các mẫu chất dẫn truyền thần kinh khi chúng ta học thông tin mới. Kết quả là các tế bào phi thần kinh đã kích hoạt một “gen trí nhớ” cùng một loại gen mà tế bào não kích hoạt khi nhận diện một mẫu thông tin và tái cấu trúc các liên kết để hình thành trí nhớ. Để giám sát quá trình ghi nhớ và học tập này, các nhà khoa học đã biến đổi các tế bào phi thần kinh để tạo ra một loại protein phát sáng, giúp họ nhận biết khi nào gen trí nhớ được kích hoạt và khi nào nó không hoạt động.
Các tế bào phi thần kinh được nuôi cấy trong đĩa để thực hiện thí nghiệm (nguồn: Nikolay Kukushkin).
Kết quả cho thấy, các tế bào có thể xác định khi nào các xung hóa học, mô phỏng các đợt bùng phát chất dẫn truyền thần kinh trong não, được lặp lại thay vì chỉ đơn thuần là kéo dài - tương tự như cách các nơron trong não nhận biết khi chúng ta học qua các lần nghỉ giữa các phiên học, thay vì học liên tục. Cụ thể, khi các xung được truyền theo các khoảng thời gian giãn cách, chúng kích hoạt “gen trí nhớ” mạnh hơn và duy trì hoạt động lâu hơn so với khi được truyền đồng loạt trong một lần. Theo GS Nikolay Kukushkin, điều này phản ánh hiệu ứng “massed-spaced” trong thực tế. Nó cho thấy khả năng học hỏi từ sự lặp lại giãn cách không chỉ là đặc điểm riêng của các tế bào não mà thực sự có thể là một đặc tính cơ bản của tất cả các tế bào. Các nhà nghiên cứu cho biết, khám phá này mở ra những cánh cửa mới để hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của trí nhớ và có thể dẫn đến những cách tốt hơn để tăng cường khả năng học tập và điều trị các vấn đề về trí nhớ.
TXB (theo New York University)