Thanh, thiếu niên với đổi mới sáng tạo: Những dấu ấn nổi bật
Mới đây, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023, giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan). Bên cạnh đó, theo Báo cáo “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024” được công bố bởi StartupBlink, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã và đang lấy lại đà tăng trưởng tích cực. Cụ thể, trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2024, thứ hạng của Việt Nam đã tăng hai bậc, từ 58 lên 56. Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam duy trì vị trí thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 tại khu vực châu Á Thái Bình Dương; số lượng startup đứng thứ 31 toàn cầu... Những xếp hạng này cho thấy tiềm năng và sức bật của Việt Nam trong bối cảnh quốc gia và thế giới còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Tọa đàm “Tăng cường năng lực số cho thanh niên” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 14/9/2023 tại Hà Nội.
Hòa chung với những nỗ lực nhằm đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo của quốc gia, thời gian qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thanh/thiếu niên, với trọng tâm là triển khai phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo". Phong trào đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng khơi dậy, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo của thanh/thiếu niên, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển của đất nước. Nhiệm kỳ 2017-2022, đã có 65.484 đề tài nghiên cứu của sinh viên, giảng viên trẻ, 18.419 đề tài nghiên cứu khoa học, 3.977 hội nghị khoa học được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam hỗ trợ triển khai, tổ chức. Tổ chức Đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên tham gia đề xuất trên 5,6 triệu ý tưởng, sáng kiến cải tiến ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) để tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, thời gian sản xuất; đổi mới, cải tiến kiểu dáng, mẫu mã; các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; phát triển kinh tế biển, du lịch biển đảo; đổi mới quy trình, thủ tục hành chính; sáng kiến, giải pháp trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm chủ công nghệ, vũ khí, khí tài hiện đại… Trong đó, các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ triển khai hơn 200.000 ý tưởng, sáng kiến của đoàn viên, thanh/thiếu niên với tổng giá trị hơn 448 tỷ đồng, giá trị làm lợi của các ý tưởng, sáng kiến được hỗ trợ hiện thực hóa hơn 1.700 tỷ đồng. Các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ hơn 7.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích, tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên tham gia nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào đời sống, góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của cộng đồng như: cải cách hành chính, tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống tệ nạn xã hội…
Phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo" tiếp tục là 1/3 phong trào hành động cách mạng được xác lập triển khai để đảm bảo tính rộng khắp, định hướng, bền vững, hiệu quả, trong đó, chú trọng lấy thanh/thiếu niên là trung tâm, chủ thể của hoạt động. Các hoạt động của cấp bộ Đoàn tập trung thực hiện 3 nhóm lĩnh vực gồm: sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học; sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh; sáng tạo trong công tác phục vụ nhân dân và đời sống sinh hoạt. Bên cạnh những hoạt động đổi mới sáng tạo đã được triển khai trong nhiệm kỳ trước, ở nhiệm kỳ này, phong trào có thêm nhiều nội dung mới, đặc biệt là xác lập các giải pháp tham gia chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực số cho thanh/thiếu niên Việt Nam.
Nhằm phát huy vai trò của thanh, thiếu niên với hoạt động đổi mới sáng tạo, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII xác định 3 nhiệm vụ đột phá, trong đó “Nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai” và “Triển khai sâu rộng chương trình Thanh niên khởi nghiệp, tham gia kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển đất nước trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” là 2/3 nhiệm vụ đột phá của tổ chức Đoàn trong nhiệm kỳ 2022-2027.
Sinh viên, giảng viên trẻ tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.
Triển khai Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, tính đến tháng 6/2024, các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ triển khai, hiện thực hóa được 89.101 ý tưởng, sáng kiến của đoàn viên, thanh/thiếu niên với nhiều hình thức như hỗ trợ kinh phí trực tiếp hoặc hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực về vốn vay, nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ tư vấn về chuyên môn, pháp lý, truyền thông; vinh danh, trao giải, hỗ trợ quảng bá, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu quan tâm hợp tác, hỗ trợ, đầu tư… với tổng giá trị hỗ trợ hơn 168 tỷ đồng, giá trị làm lợi của các ý tưởng, sáng kiến được hỗ trợ thực hiện là hơn 306 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn Đoàn đã tổ chức được 2.942 cuộc thi về ý tưởng sáng tạo với 151.066 ý tưởng, đề tài, sản phẩm tham gia; tổ chức được 2.031 diễn đàn, tọa đàm về đổi mới sáng tạo thu hút hơn 475 nghìn lượt thanh/thiếu niên tham gia; đã có 31.945 đề tài nghiên cứu của sinh viên, giảng viên trẻ; 7.041 đề tài nghiên cứu khoa học được hỗ trợ triển khai; 64.954 hoạt động nâng cao năng lực số cho thanh/thiếu niên với 18 triệu lượt đoàn viên, thanh/thiếu niên được tiếp cận, tham gia hoạt động. Đây là một con số không nhỏ, minh chứng cho những nỗ lực của các cấp bộ Đoàn và đoàn viên thanh niên trong cả nước.
Thiếu niên Việt Nam tham gia các hoạt động trải nghiệm khoa học, đổi mới sáng tạo tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc do Trung ương Đoàn tổ chức.
Nỗ lực phát huy năng lực đổi mới sáng tạo trong thanh, thiếu niên
Để phát huy năng lực đổi mới sáng tạo của đoàn viên, thanh/thiếu niên, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; thời gian tới các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh/thiếu niên cần phải xác định tinh thần “đổi mới” và “sáng tạo” không ngừng, trong đó đặc biệt quan tâm triển khai một số giải pháp trọng tâm, cụ thể như sau:
Một là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tăng cường nâng cao nhận thức, tâm thế của các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh/thiếu niên về đổi mới sáng tạo, gắn với việc phổ biến, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan tới thúc đẩy hoạt động đổi sáng tạo trong thanh/thiếu niên đến các cấp, các ngành, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị đối với việc triển khai các hoạt động thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong đoàn viên, thanh/thiếu niên.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, đa dạng hóa hoạt động, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiên phong đổi mới sáng tạo. Tận dụng hiệu quả những điều kiện thuận lợi từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, nâng cao kiến thức, trình độ ứng dụng chuyển đổi số cho thanh/thiếu niên. Tạo sân chơi cho thanh, thiếu niên phát huy năng lực sáng tạo, đề xuất sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phát minh, sáng chế… Phát triển các câu lạc bộ, sinh hoạt đội, nhóm, cuộc thi, ngày hội về công nghệ số, chuyển đổi số; tổ chức các chương trình, diễn đàn thực hành công nghệ số trong thanh/thiếu niên. Nâng cao năng lực số cho thanh niên; tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của Đoàn, Hội, Đội.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ triển khai, hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến sáng tạo tiêu biểu thành sản phẩm thực tiễn. Tiếp tục duy trì và phát triển các loại hình hỗ trợ sáng tạo trong thanh/thiếu niên; phát triển các loại hình quỹ hỗ trợ sáng tạo, như: Quỹ “Hỗ trợ tài năng trẻ”, Quỹ “Khuyến học, khuyến tài”… Đẩy mạnh tập hợp, kết nối, phát huy tài năng trẻ; tham mưu, đề xuất chính sách phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng tài năng trẻ. Chú trọng việc kết nối các tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ, đỡ đầu để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của thanh/thiếu niên, biến ý tưởng thành giải pháp và đưa vào ứng dụng, hoặc sản xuất thử nghiệm trong thực tế. Xây dựng và củng cố các mô hình câu lạc bộ sở thích sáng tạo, như: câu lạc bộ khởi nghiệp, câu lạc bộ khoa học kỹ thuật trẻ, câu lạc bộ tiến sỹ trẻ, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi… để các bạn trẻ giao lưu, học hỏi và trao đổi thông tin, chia sẻ những ý tưởng mới.
Bốn là, nâng cao chất lượng tham mưu, xây dựng cơ chế thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong thanh/thiếu niên. Các cấp bộ Đoàn tham mưu tổ chức, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sự sáng tạo trong đoàn viên, thanh/thiếu niên: cơ chế sử dụng các sáng kiến, sáng tạo; ghi nhận và khen thưởng kịp thời các cá nhân có giải pháp sáng tạo hiệu quả; tổ chức thảo luận cởi mở để cùng nhau tìm ra các giải pháp; cung cấp các công cụ, nguồn lực hỗ trợ hoạt động nghiên cứu sáng tạo: phòng nghiên cứu, kinh phí, thiết bị, thời gian...; tạo cơ hội trao quyền cho các cá nhân được thử sức tham gia đăng ký đảm nhận và triển khai thực hiện với các vị trí, vai trò, giải quyết các vấn đề khác nhau trong công việc...
Năm là, tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh/thiếu niên Việt Nam”. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, để thanh niên tham gia chủ động và tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho cán bộ Đoàn các cấp. Tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho đoàn viên, thanh niên. Đẩy mạnh đào tạo kỹ năng tra cứu thông tin về giải pháp KH&CN, sở hữu công nghiệp… phục vụ cho quá trình nghiên cứu và sản xuất kinh doanh. Tổ chức các giải thưởng, cuộc thi về KH&CN, ứng dụng chuyển đổi số trong đoàn viên, thanh niên...