Thứ ba, 15/04/2025 15:36

Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh trong bối cảnh đổi mới bộ máy chính quyền địa phương

Ngày 15/04/2025, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 (Chỉ số PAPI 2024). Báo cáo cho thấy, chính quyền các cấp trong năm 2024 đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ ở một số lĩnh vực trong công tác quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công cho người dân. Tuy nhiên, những phát hiện từ Báo cáo cũng chỉ ra rằng, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người tạm trú và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và dịch vụ công thấp hơn so với các nhóm dân cư khác.

Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai công cuộc cải cách nền quản trị công mang tính lịch sử, đặc biệt là việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền hai cấp và tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, đây là một cơ hội vô cùng quan trọng để thúc đẩy quản trị bao trùm cũng như hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách nhằm giải quyết những thách thức mà người dân đã phản ánh thông qua Chỉ số PAPI. Ưu tiên nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng số để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia sẽ góp phần cải thiện điều kiện và khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân, từ đó thu hẹp khoảng cách số hiện nay. Việc thực thi có hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 từ tháng 07/2025 tạo cơ hội kịp thời cho việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm dễ bị tổn thương được tiếp cận bảo hiểm xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Báo cáo Chỉ số PAPI lần thứ 16 ghi nhận ý kiến của gần 19.000 người dân được chọn mẫu ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc. Báo cáo cung cấp kết quả phân tích chuyên sâu về nhiều khía cạnh của quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam.

Người dân hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024

Báo cáo Chỉ số PAPI 2024 đặc biệt nhấn mạnh những cải thiện ở các chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Quản trị môi trường” và “Quản trị điện tử”. Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng, dư địa để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị công nói chung còn rất lớn. Chỉ có 3/8 lĩnh vực quản trị và hành chính công được Chỉ số PAPI đo lường, gồm: kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ hành chính công và dịch vụ công, đạt được điểm số khá từ đánh giá của người dân trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, sự khác biệt về mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị địa phương vẫn tồn tại giữa các nhóm phân theo giới tính, dân tộc, loại hình hộ khẩu và khu vực sinh sống. Phụ nữ vẫn tiếp tục đánh giá về hiệu quả quản trị thấp hơn nam giới, đặc biệt trong các khía cạnh về sự tham gia và tính công khai, minh bạch trong quá trình ra quyết định ở địa phương. Mức độ hài lòng của người dân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số thấp hơn so với người Kinh ở nhiều chiều cạnh. Đồng thời, người tạm trú, đặc biệt ở các địa phương có lượng người tạm trú lớn, phải đối mặt với nhiều hạn chế trong tiếp cận dịch vụ công. Các địa phương miền núi và vùng cao đạt điểm thấp hơn các địa phương vùng đồng bằng ở các chỉ số đánh giá về sự tham gia của người dân, tính công khai, minh bạch trong việc ra quyết định và quản trị điện tử. Về quản trị điện tử, mặc dù đã có những bước tiến trên phạm vi toàn quốc, nhưng khoảng cách số vẫn tồn tại, đặc biệt là trong khả năng tiếp cận và sử dụng internet và dịch vụ công điện tử giữa các nhóm nam - nữ, dân tộc Kinh - dân tộc thiểu số và các khu vực thành thị - nông thôn.

Tham nhũng nổi lên là mối quan ngại lớn nhất của người dân trong năm 2024

Với 22,58% số người trả lời khảo sát cho rằng, tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước ưu tiên giải quyết trong thời gian tới, tăng 17% so với năm 2023. Sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ người dân cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng có thể là do tác động của việc đưa ra xét xử nhiều vụ đại án liên quan đến tham nhũng trong năm 2024 và sự chú ý của dư luận đối với công cuộc chống tham nhũng đang được Đảng và Chính phủ thực hiện quyết liệt ở cấp quốc gia. Đáng chú ý, yêu cầu của người dân về việc tập trung xử lý tham nhũng có sự tương phản với những ghi nhận của họ về những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở địa phương. Theo kết quả khảo sát năm 2024, tỷ lệ người dân cho biết họ phải trả chi phí không chính thức hoặc đưa "lót tay" khi sử dụng dịch vụ hành chính công hoặc dịch vụ công đã giảm so với năm 2023.

Đánh giá khả quan về kinh tế và mối lo ngại về biến đổi khí hậu

Phản ánh phần nào những cải thiện của nền kinh tế trong năm 2024 so với 2023, Báo cáo Chỉ số PAPI 2024 cho biết, tỷ lệ người trả lời khảo sát đánh giá tình hình kinh tế hộ gia đình là “kém” hoặc “rất kém” đã giảm xuống 10,2% trong năm 2024 - mức thấp nhất kể từ năm 2019. Mặc dù vậy, đói nghèo vẫn là vấn đề đáng quan ngại đứng thứ hai (sau tham nhũng), với tỷ lệ 14,2% số người được hỏi đề cập đến vấn đề này. Tiếp theo đó là vấn đề việc làm, với 12,64% số người trả lời cho rằng đây là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết. Mặc dù Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,09% vào năm 2024, sự bất an trong đánh giá về điều kiện kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, là một vấn đề rất đáng quan tâm. Báo cáo chỉ ra mối tương quan chặt chẽ, dù không gây ngạc nhiên, giữa cảm nhận về tình hình kinh tế hộ gia đình và khả năng tiếp cận bảo hiểm xã hội.

Về tác động của các thảm họa liên quan đến khí hậu đối với cảm nhận của người dân về tình hình kinh tế hộ gia đình, Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2024 cho thấy, khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ nét, cảm giác dễ bị tổn thương của người dân nói chung gia tăng, với gần 40% số người trả lời cho biết gia đình hoặc cộng đồng của họ đã chịu tác động trực tiếp từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm qua. Những tác động tàn khốc của cơn bão Yagi và tần suất ngày càng tăng của các đợt nắng nóng, ngập lụt và hạn hán bất thường cho thấy tính cấp thiết của việc thúc đẩy quản trị môi trường có sự tham gia sớm của cộng đồng. Cần tăng cường khả năng ứng phó với thảm họa, đầu tư kiên cố hóa cơ sở hạ tầng và đảm bảo thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp với đặc điểm của từng vùng, khu vực dân cư để bảo vệ cộng đồng và nâng cao khả năng chống chịu lâu dài trước biến đổi khí hậu.

Vũ Hưng

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)