Thứ tư, 16/04/2025 10:08

Thu hẹp khoảng cách số, cải thiện hiệu quả quản trị điện tử

Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2024 (PAPI 2024) đã ghi nhận những cải thiện đáng kể trong lĩnh vực quản trị điện tử, cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của các cấp chính quyền trong việc số hóa dịch vụ công và đưa công nghệ số đến gần hơn với người dân.

Điểm sáng trong quản trị điện tử 2024

Theo Báo cáo PAPI 2024, công tác quản trị điện tử tiếp tục có bước tiến rõ rệt và trở thành điểm nhấn nổi bật trong toàn bộ bức tranh quản trị công. Trong số 8 chỉ số nội dung được đánh giá, "Quản trị điện tử" ghi nhận mức điểm tăng cao nhất trong giai đoạn 2021-2024 (tăng 0,46 điểm). Đặc biệt, điểm ba chỉ số nội dung thành phần gồm: “Tiếp cận và sử dụng internet ở địa phương”, “Sử dụng cổng thông tin, cổng dịch vụ công điện tử của chính quyền địa phương” và “Phúc đáp của chính quyền địa phương qua cổng thông tin điện tử” đều tăng lên trong năm 2024.

Xu thế biến đổi điểm nội dung thành phần chỉ số Quản trị điện tử” giai đoạn 2021-2024 (nguồn: Báo cáo PAPI 2024).

Khả năng truy cập internet tại nhà và tiếp cận thông tin trực tuyến của người dân có sự cải thiện vượt bậc. Cụ thể, 84% người được khảo sát cho biết, tỷ lệ sử dụng internet tại nhà tăng gần gấp ba lần so với năm 2016 (31%) và tăng gần 10% so với năm 2021. Tỷ lệ đọc tin tức trực tuyến cũng tăng từ 23% năm 2016 lên 66% trong năm 2024, phản ánh xu thế chuyển dịch mạnh mẽ của người dân từ các nguồn thông tin truyền thống sang nền tảng số.

Tỷ lệ tiếp cận tin tức thời sự qua mạng internet và sử dụng internet tại nhà giai đoạn 2016-2024 (nguồn: Báo cáo PAPI 2024).

Ngoài ra, mức độ sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến cũng tăng đáng kể so với năm 2023, với 13,8% người dùng Cổng dịch vụ công Quốc gia và 9% người dùng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh trong năm 2024.

Chất lượng dịch vụ cũng dần được cải thiện, thể hiện qua tỷ lệ hài lòng của người dân với hơn 91% đối với Cổng dịch vụ công Quốc gia và 95% với Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, đồng thời số người lo ngại về quyền riêng tư khi sử dụng các cổng này cũng giảm, cho thấy sự gia tăng niềm tin của người dân đối với chính quyền số.

Khoảng cách số: Tuy nhỏ nhưng đáng lưu tâm

Dù việc phổ cập internet đã cải thiện rõ rệt, nhưng Báo cáo PAPI 2024 chỉ ra, khoảng cách số vẫn hiện hữu và đáng lưu tâm, đặc biệt khi phân tích theo giới tính, khu vực địa lý và nhóm dân tộc. Nam giới có tỷ lệ tiếp cận internet tại nhà cao hơn nữ giới 5-10%. Khoảng cách giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh vẫn duy trì ở mức chênh lệch 10-20%, trong khi giữa nông thôn và thành thị, khoảng cách bao phủ internet đã giảm từ hơn 25% năm 2016 xuống còn 9% năm 2024.

Những chênh lệch này tuy không quá lớn về mặt số liệu nhưng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai chính quyền điện tử, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia.

Thúc đẩy cải cách và chuyển đổi số vì lợi ích nhân dân

Chuyển đổi số không chỉ là thay đổi về công nghệ, mà còn là thay đổi cách thức tiếp cận và cung ứng dịch vụ công, là cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Tuy nhiên, “khoảng cách số” vẫn còn hiện hữu giữa các vùng miền, giới tính và dân tộc. Đầu tư hạ tầng số và nâng cao năng lực sử dụng dịch vụ công điện tử cho người dân chính là chìa khóa để hiện thực hóa cam kết “lấy người dân làm trung tâm” trong tiến trình cải cách quốc gia.

Bà Đỗ Thanh Huyền - Đại diện nhóm nghiên cứu PAPI chia sẻ tại Lễ công bố Báo cáo PAPI 2024 về kết quả nghiên cứu năm 2024 và xu thế 2021-2024 (nguồn: T.L).

Bà Đỗ Thanh Huyền - Đại diện nhóm nghiên cứu PAPI nhấn mạnh, những cải cách trong tổ chức chính quyền địa phương hiện nay là cơ hội lớn để giải quyết những điểm nghẽn trong thực thi chính sách bởi các tỉnh, thành phố có thể học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tốt từ các địa phương. Bên cạnh đó, chuyển đổi số có thể là phương thức thay đổi "luật chơi". Do đó, cần tiếp tục phát triển quản trị điện tử, quản trị số, đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm tiếp tục nâng cao tính minh bạch và cải thiện hiệu quả cũng như điều kiện tiếp cận dịch vụ công.

 Báo cáo PAPI 2024 là minh chứng cho những nỗ lực đáng ghi nhận trong cải cách hành chính và chuyển đổi số tại Việt Nam. Tuy nhiên, để quản trị điện tử thực sự hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cần tiếp tục thu hẹp khoảng cách số giữa các nhóm dân cư, vùng miền và nâng cao chất lượng dịch vụ công điện tử. Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện về hạ tầng công nghệ, mà còn là hành trình hướng tới sự công bằng, minh bạch và cải thiện đời sống nhân dân.

Hằng Dương

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)