Thứ tư, 23/04/2025 09:31

Trung Quốc: Kinh nghiệm thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Việc chuyển giao các thành quả khoa học từ viện nghiên cứu, trường đại học ra thực tế sản xuất vẫn còn là điểm nghẽn lớn của nhiều nước. Mới đây, People’s Daily (Nhân Dân nhật báo, Trung Quốc)1 đã chia sẻ cách tỉnh Chiết Giang chủ động đổi mới cơ chế, thí điểm hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ những rào cản cố hữu, từ đó xây dựng nên những mô hình thành công trong chuyển giao công nghệ giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) thúc đẩy cơ chế “dùng trước, chuyển giao sau). Nguồn: kjt.zj.org.cn.

Cơ chế “dùng trước, chuyển giao sau”: Thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới

Một trong những sáng kiến tiêu biểu mà tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) triển khai từ tháng 10/2021 là cơ chế “dùng trước, chuyển giao sau”, cho phép doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 26 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, được thử nghiệm công nghệ miễn phí trước khi chính thức chuyển giao theo thỏa thuận. Đây được xem là biện pháp đột phá, giúp xóa bỏ tâm lý e ngại đầu tư trong khối doanh nghiệp và tăng cường tính chủ động trong hợp tác với các đơn vị nghiên cứu. Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Chiết Giang Hương Mãn Đình (香满亭) là một trường hợp điển hình trong việc áp dụng cơ chế này. Trước đó, ông Zhu Youcun, Chủ tịch công ty từng đắn đo về rủi ro khi đầu tư một công nghệ mới, e ngại việc trả phí chuyển giao ngay nhưng ứng dụng thất bại, số tiền đầu tư sẽ “đổ sông đổ bể”. Tuy nhiên, khi có cơ chế “dùng trước chuyển giao sau”, Công ty đã mạnh dạn hợp tác với Viện Nghiên cứu của Đại học Khoa học Kỹ thuật điện tử (Trung Quốc), ứng dụng và phát triển hệ thống quản lý thông minh với tâm lý “dùng thử không mất tiền”. Kết quả sau hai năm, năng suất nấm và sản lượng nấm chất lượng cao của công ty tăng tới 15%, sản phẩm vươn ra toàn quốc và hướng tới thị trường quốc tế.

Để cơ chế này đi vào thực tiễn, tỉnh Chiết Giang đã đồng bộ hóa từ chính sách đến tổ chức triển khai: ban hành các quy chuẩn giao dịch công nghệ, phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi các bên, tích hợp vào quy định pháp lý của tỉnh… Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 6.300 công nghệ được chuyển giao theo cơ chế này, trong đó có 2.400 lượt dùng thử miễn phí, phản ánh sức sống mạnh mẽ của một mô hình linh hoạt, sát thực tế.

“Anxin Wu”: Giải toả tâm lý cho nhà khoa học

Nếu như doanh nghiệp lo sợ rủi ro kinh tế, thì các nhà khoa học, nhất là trong hệ thống công lập, lại vướng vào vòng xoáy hành lang pháp lý khi chuyển giao tài sản trí tuệ. Việc định giá sáng chế thiếu minh bạch, thủ tục hành chính rườm rà, và tâm lý lo sợ bị truy cứu trách nhiệm đã khiến nhiều kết quả nghiên cứu “nằm im” trên giấy, không thể triển khai trên thị trường.

Trước thực trạng đó, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã triển khai mô hình “Anxin Wu” - nền tảng quản lý trực tuyến toàn diện cho quá trình chuyển giao công nghệ. Với 5 tính năng cốt lõi: đăng ký chuyển giao, phê duyệt hợp đồng, miễn thuế, phân bổ lợi nhuận và chuyển giao quyền sở hữu, hệ thống này giúp chuẩn hóa và công khai quy trình, đồng thời tách bạch khỏi phạm vi kiểm toán tài sản nhà nước, từ đó gỡ bỏ gánh nặng tâm lý cho các nhà nghiên cứu.

Thông qua nền tảng số, toàn bộ quy trình, từ đăng ký chuyển giao, phê duyệt hợp đồng, định giá, miễn thuế, đến phân phối lợi nhuận,… đều được thực hiện trực tuyến, rút ngắn 50% thời gian xử lý. Sau gần 1 tháng vận hành chính thức, nền tảng đã thu hút hơn 60 đơn vị nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhà nước tham gia, với hơn 15.200 thành quả khoa học được niêm yết, trong đó gần 30 sáng chế đã được chuyển giao thành công. Đây là minh chứng sống động cho sức hấp dẫn và hiệu quả của mô hình số hóa này.

Giao diện trang web “Anxin Wu”. Nguồn: anxinwu.originone.cn.

Điểm đặc biệt của “Anxin Wu” là khả năng tích hợp dữ liệu của hai nền tảng lớn: Hệ thống quản lý tài sản nhà nước và Chợ công nghệ trực tuyến tỉnh Chiết Giang 3.0. Qua đó, toàn bộ giao dịch được lưu trữ bằng công nghệ chứng thực điện tử, đảm bảo tính pháp lý và minh bạch trong từng bước. Các cơ quan như tài chính, khoa học công nghệ, kiểm toán… có thể giám sát tức thời mà không cần can thiệp trực tiếp, giảm áp lực cho nhà khoa học và khơi thông hành lang pháp lý. Đặc biệt, nền tảng cho phép cập nhật tức thời tiến trình xử lý hồ sơ, công khai thông tin định giá theo cơ chế thị trường và ngành nghề, giúp đảm bảo giá trị thực của sáng chế không bị đánh giá sai lệch.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), mô hình này không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hoàn thiện cơ chế nội bộ, xây dựng thị trường chuyển giao công nghệ hiện đại, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và làm giàu từ tri thức.

Trung tâm thẩm định ý tưởng: Chọn lọc những “hạt giống vàng”

Trong chuỗi giá trị đổi mới sáng tạo, khâu “ươm tạo ban đầu” luôn là giai đoạn dễ bị bỏ qua hoặc thiếu nguồn lực đầu tư. Tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã triển khai mô hình Trung tâm thẩm định ý tưởng (Proof of concept center - POCC) với mục tiêu chọn lọc và hoàn thiện các ý tưởng tiềm năng, tăng tỷ lệ thương mại hóa ngay từ bước đầu.

POCC được ví như “cái sàng”, giúp bước đầu chọn lọc, phân loại các nghiên cứu có tiềm năng thương mại hoá, từ đó có những chính sách hỗ trợ chuyên sâu về kỹ thuật, thị trường và pháp lý. Một ví dụ điển hình là công nghệ cảm biến khí quang phổ hồng ngoại của một nhóm nghiên cứu tại Hàng Châu (Trung Quốc) giúp giám sát và phát hiện đa khí độc từ xa. Ông Liu Shijie, Đại diện nhóm nghiên cứu nhận định, dù sở hữu tiềm năng ứng dụng lớn, công nghệ này vẫn gặp nhiều rào cản như khó khăn về sản xuất hàng loạt, áp lực cạnh tranh và hạn chế trong việc tiếp cận thị trường, khiến việc tìm kiếm đối tác thương mại gặp nhiều trở ngại. Tháng 11/2022, sau khi POCC Hàng Châu được thành lập, dự án này nhanh chóng được đưa vào danh mục thẩm định và đánh giá tính khả thi. Với sự hỗ trợ từ POCC, công nghệ này đã được phát triển thành sản phẩm “máy giám sát đa khí độc” và ứng dụng rộng rãi trong kiểm tra an toàn tại các khu công nghiệp hóa chất.

Kể từ sau khi thành lập từ năm 2022, POCC Hàng Châu đã hỗ trợ 26 dự án, trong đó có 12 dự án đạt kết quả vượt trội khi triển khai trong thực tế, với tổng vốn huy động 300 triệu tệ, đồng thời giúp ươm tạo hơn 10 doanh nghiệp dược với tổng định giá 8 tỷ nhân dân tệ.

*

*        *

Bằng việc liên tục đổi mới cơ chế, hài hòa lợi ích các bên và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, Chiết Giang đã và đang hình thành một mô hình mẫu mực về chuyển giao công nghệ giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Những bước đi tiên phong như “dùng trước, chuyển giao sau”, “Anxin Wu”, POCC… không chỉ giúp tháo gỡ các nút thắt cố hữu, mà còn đặt nền móng cho sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - sản xuất - thị trường.

 

1Z.W. Li, Y.X. Zhao, H. Dou, “Scientific and technological achievements move from "bookshelves" to "shelves" (Technology Viewpoint)”, People's Daily, http://zj.people.com.cn/n2/2025/0210/c186327-41130650.html, accessed 10 April 2025 (in Chinese).

Hằng Dương (tổng hợp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Z.W. Li, Y.X. Zhao, H. Dou (2025), “Scientific and technological achievements move from "bookshelves" to "shelves" (Technology Viewpoint)”, People's Daily, http://zj.people.com.cn/n2/2025/0210/c186327-41130650.html, accessed 10 April 2025 (in Chinese).

2. D.J. He, X.Y. Tong, Y. Chen (2022), “Zhejiang launches digital application to help transform job-related scientific and technological achievements”, The State Council, The People’s Republic of China, https://www.gov.cn/xinwen/2022-06/10/content_5695057.htm, accessed 12 April 2025 (in Chinese).

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)