Thứ tư, 23/04/2025 12:24

Giảng viên với trí tuệ nhân tạo - Hiệu quả, trách nhiệm và kiểm soát

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên mới đây đã tổ chức Hội thảo “Giảng viên với trí tuệ nhân tạo: Hiệu quả, trách nhiệm và kiểm soát”. Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và kỹ năng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho đội ngũ giảng viên của Nhà trường cũng như các trường thuộc khối thi đua đại học, cao đẳng tỉnh Hưng Yên trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các giảng viên đã được cung cấp một hệ thống kiến thức nền tảng và nâng cao về AI, từ lý thuyết đến ứng dụng thực tiễn. Bắt đầu từ các khái niệm cốt lõi trong học máy và học sâu - những nền tảng toán học giúp AI có khả năng học từ dữ liệu, ra quyết định và tương tác với con người. Một nội dung đặc biệt được nhấn mạnh là vai trò sống còn của dữ liệu trong các hệ thống AI hiện đại. Theo nguyên lý “Garbage in - Garbage out” (rác vào - rác ra), chất lượng đầu ra của AI phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu đầu vào. Việc đào tạo AI trên các bộ dữ liệu thiếu khách quan, không đầy đủ hoặc thiên lệch có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi áp dụng vào đời sống thực tế.

Hội thảo không chỉ dừng lại ở kỹ thuật mà còn mở rộng ra các vấn đề đạo đức, pháp lý và trách nhiệm xã hội. Các diễn giả đã chia sẻ những nguyên tắc của “AI có trách nhiệm” (Responsible AI), trong đó nhấn mạnh ba giá trị cốt lõi: công bằng, minh bạch và bảo vệ quyền riêng tư. AI cần tránh thiên vị, đảm bảo các quyết định có thể được giải thích rõ ràng và tôn trọng dữ liệu cá nhân của người dùng.

Đặc biệt, một số giảng viên đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân khi sử dụng các “prompt” - câu lệnh thông minh để khai thác AI hiệu quả trong công tác giảng dạy, như tạo bảng tổng hợp kiến thức nhanh chóng hay biên tập giáo án linh hoạt. Những chia sẻ này đã khơi dậy tinh thần đổi mới và sáng tạo trong đội ngũ nhà giáo, chứng minh tiềm năng ứng dụng rộng lớn của AI nếu được khai thác đúng cách.

Bên cạnh AI, Hội thảo cũng khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong công cuộc chuyển đổi số giáo dục. Trong thời đại mới, giảng viên không chỉ cần làm chủ công nghệ mà còn phải trở thành người định hướng sáng tạo, khai thác tối ưu các nền tảng số để nâng cao chất lượng đào tạo. Việc ứng dụng các công cụ như phân tích dữ liệu lớn (big data), lớp học ảo, thực tế ảo (VR), đặc biệt là các mô hình AI tổng hợp đang dần trở thành tiêu chuẩn mới trong giảng dạy và học tập. Đổi mới sáng tạo trong giảng dạy không chỉ tạo nên trải nghiệm học tập hấp dẫn, mà còn giúp người học phát triển toàn diện các kỹ năng số - chìa khóa để thích nghi và phát triển trong nền kinh tế tri thức.

Nguyễn Hồng Sơn - Xuân Diện

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)