Thứ tư, 23/04/2025 16:12

Thanh Hóa: Tăng giá trị nông sản, nâng tầm sản xuất nhờ khoa học công nghệ

Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) đang trở thành đòn bẩy giúp ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa từng bước hiện đại hóa. Từ các đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn cao đến những mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất, địa phương này đang định hình một nền nông nghiệp bền vững, tăng năng suất và giá trị nông sản, đồng thời cải thiện thu nhập cho người dân.

Khoa học và công nghệ - yếu tố cốt lõi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp, KH&CN đã không còn là lĩnh vực mang tính hàn lâm mà đã thâm nhập sâu vào từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - từ chọn giống, canh tác, thu hoạch đến chế biến và tiêu thụ. Tỉnh Thanh Hóa đã chủ động triển khai cơ chế đặt hàng đề tài nghiên cứu dựa trên nhu cầu thực tế của từng vùng, ngành. Bên cạnh đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân, giúp lan tỏa hiệu quả ứng dụng KH&CN vào thực tiễn.

Mô hình nuôi cá tại các hồ chứa thủy lợi.

Một trong những mô hình tiêu biểu được triển khai tại Trường Đại học Hồng Đức là nuôi cá trắm đen, cá bống, cá chép V1 trong lồng tại các hồ chứa thủy lợi. Mô hình đã tận dụng diện tích mặt nước bị bỏ trống, xây dựng quy trình khép kín từ giống, nuôi dưỡng, theo dõi chất lượng nước đến thu hoạch và tiêu thụ. Nhờ ứng dụng đồng bộ công nghệ trong kiểm soát dịch bệnh và môi trường nước, tỷ lệ sống của cá được cải thiện, sản lượng tăng vượt trội so với phương pháp truyền thống.

Từ bã mía (một phụ phẩm thường bị đốt bỏ) nhóm nghiên cứu thuộc đề tài “Nâng cao hiệu quả sử dụng phụ phẩm cây mía” đã đưa ra giải pháp phối trộn để sản xuất phân hữu cơ sinh học và thức ăn chăn nuôi. Kết quả ghi nhận chi phí sản xuất giảm 10-15%, chất lượng đất cải thiện đáng kể, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Mô hình này đang được khuyến nghị nhân rộng tại các vùng trồng mía trọng điểm như Thạch Thành, Ngọc Lặc, Lang Chánh.

Thách thức và giải pháp

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa và Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã phối hợp triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN, trong đó tập trung vào nghiên cứu giống cây trồng vật nuôi mới, bảo quản sau thu hoạch và cơ giới hóa sản xuất. Các đề tài không chỉ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu mà còn chuyển giao trực tiếp tới hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân, giúp họ tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn.

Cần đẩy mạnh và duy trì mối liên kết “4 nhà” để thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, việc ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp tại Thanh Hóa vẫn gặp nhiều rào cản. Sản phẩm ứng dụng rộng rãi còn hạn chế, cơ sở vật chất chưa đồng đều giữa các vùng, thiết bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Mô hình liên kết “4 nhà” chưa phát huy hết hiệu quả. Để khắc phục, tỉnh Thanh Hóa cần tập trung hỗ trợ tài chính sau nghiệm thu, khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ cán bộ KH&CN địa phương và đặc biệt là xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá minh bạch.

Với quyết tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tăng trưởng xanh và bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã xác định KH&CN là trụ cột trong giai đoạn 2025-2030. Sự phối hợp hiệu quả giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân chính là nền tảng để KH&CN tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, đưa nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng hiện đại, xanh - sạch - hiệu quả.

TXB

 

TAGS :

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)