Trong nhiều thập kỷ, việc giảm lượng muối trong chế độ ăn đã được coi là phương pháp chính để kiểm soát huyết áp cao. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của các nhà khoa học đến từ Đại học Waterloo cho thấy rằng, việc tăng cường kali trong khẩu phần ăn có thể mang lại hiệu quả lớn hơn trong việc hạ huyết áp.

Huyết áp cao ảnh hưởng đến hơn 30% dân số trưởng thành trên toàn thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch và tử vong sớm. Trong khi các tổ chức như Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã khuyến nghị giảm lượng natri để hạ huyết áp, nghiên cứu mới này nhấn mạnh vai trò quan trọng của kali trong việc điều hòa huyết áp.
GS Anita Layton - Đại học Waterloo cho biết, khi bị huyết áp cao, chúng ta thường được khuyên nên cắt giảm muối trong khẩu phần ăn. Nghiên cứu mới này cho thấy, việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu kali vào chế độ ăn, như chuối hoặc bông cải xanh, có thể có tác động tích cực lớn hơn đến huyết áp với chỉ cắt giảm natri. Natri và kali là các chất điện giải đóng vai trò trong việc điều hòa huyết áp. Natri giúp điều chỉnh chất lỏng trong cơ thể và nếu có quá nhiều natri, cơ thể sẽ giữ nước để cân bằng, làm tăng thể tích máu và dẫn đến huyết áp cao. Ngược lại, kali giúp thư giãn thành mạch máu, hỗ trợ chức năng tim và giúp thận bài tiết natri qua nước tiểu, từ đó giảm thể tích chất lỏng và áp lực trong mạch máu.
Melissa Stadt - thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ, con người thời kỳ đầu ăn nhiều trái cây và rau quả, do đó, hệ thống điều hòa của cơ thể có thể đã tiến hóa để hoạt động tốt nhất với chế độ ăn giàu kali và ít natri. Ngày nay, chế độ ăn phương Tây thường có nhiều natri và ít kali, điều này có thể giải thích tại sao huyết áp cao chủ yếu được tìm thấy ở các xã hội công nghiệp hóa, không phải ở các xã hội biệt lập. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một mô hình toán học để phân tích cách hai chất điện giải quan trọng này ảnh hưởng đến huyết áp. Mô hình đã giúp xác định tỷ lệ kali so với natri ảnh hưởng của 2 chất đến huyết áp và cũng xác định cách giới tính ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa kali và huyết áp. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, nam giới dễ phát triển huyết áp cao hơn phụ nữ tiền mãn kinh, nhưng cũng có khả năng phản ứng tích cực hơn với tỷ lệ kali so với natri tăng lên.
Trong kết luận bài báo được tải trên Tạp chí American Journal of Physiology - Renal Physiology, các nhà khoa học nhấn mạnh, tỷ lệ natri-kali trong chế độ ăn là yếu tố dự đoán mạnh mẽ hơn đối với huyết áp, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân so với chỉ natri hoặc kali riêng lẻ. Nghiên cứu mở ra hướng tiếp cận mới trong việc kiểm soát huyết áp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa natri và kali trong chế độ ăn uống. Việc tăng cường thực phẩm giàu kali như chuối, bông cải xanh và khoai lang có thể là chiến lược hiệu quả hơn trong việc hạ huyết áp so với chỉ giảm lượng muối tiêu thụ.
Xuân Bình (theo Đại học Waterloo)