Thứ bảy, 26/04/2025 14:07

Công nghệ bền vững - Nền tảng của sản xuất thông minh trong thời đại số

Đây là chủ đề của Hội thảo quốc tế lần thứ 2 do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức từ ngày 22/04/2025 đến 25/04/2025 tại Hà Nội. Hội thảo quy tụ đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang lan rộng.

Sản xuất thông minh trong kỷ nguyên mới

Thế giới hiện đang chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, với sự xuất hiện của các nền tảng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, Copilot, Gemini… cùng với sự phát triển của các mô hình sản xuất linh hoạt, tinh gọn và thông minh. Việc tích hợp các công nghệ như AI, học máy và phân tích dữ liệu lớn vào sản xuất không chỉ là xu thế mà còn là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, công nghệ bền vững được xem là nền tảng quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần xây dựng một nền kinh tế mạnh, hiện đại và thân thiện với môi trường. Việc ứng dụng sâu rộng các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ học máy vào dây chuyền sản xuất đang trở thành một xu hướng tất yếu, đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số của ngành công nghiệp hiện đại.

Việc tích hợp các công nghệ này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn mở ra khả năng dự báo, phân tích dữ liệu theo thời gian thực, từ đó hỗ trợ ra quyết định chính xác hơn. Nhờ sự hỗ trợ của AI và học máy, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích nghi với biến động của thị trường, điều chỉnh chiến lược sản xuất một cách linh hoạt, giảm thiểu lãng phí và tăng tính cạnh tranh. Đây chính là bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng mô hình nhà máy thông minh - nơi mà mọi hoạt động sản xuất được kết nối, giám sát và điều phối một cách tự động, hiệu quả.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, việc ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp với đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực cốt lõi thúc đẩy phát triển sản xuất. Các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc đầu tư thiết bị tiên tiến, mà còn chú trọng đến việc đổi mới quy trình, cải tiến mô hình quản trị và phát triển sản phẩm theo hướng thông minh, linh hoạt và bền vững. Công nghệ in 3D, robot tự động hóa, hệ thống cảm biến IoT, cùng nền tảng dữ liệu lớn (Big data) đang được tích hợp vào các dây chuyền sản xuất để tạo ra môi trường sản xuất linh hoạt, có khả năng tự học và tự tối ưu.

Không dừng lại ở đó, đổi mới sáng tạo còn giúp doanh nghiệp tìm ra những giải pháp mới để tận dụng nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc hướng tới sản xuất xanh - sản xuất không chỉ hiệu quả về kinh tế mà còn có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Những sáng kiến như sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế phụ phẩm công nghiệp hay ứng dụng vật liệu mới thân thiện với môi trường đang được nhiều doanh nghiệp theo đuổi.

Diễn đàn học thuật mang tính ứng dụng cao

PGS.TS Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh công nghệ thay đổi không ngừng, việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực là điều tất yếu để phát triển sản xuất thông minh. Hội thảo “Công nghệ bền vững - Nền tảng của sản xuất thông minh trong thời đại số” đóng vai trò quan trọng, không chỉ là nơi chia sẻ tri thức mà còn mở ra hướng đi mới cho khoa học và công nghệ.

PGS.TS Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.

Không chỉ là nơi quy tụ tri thức, Hội thảo “Công nghệ bền vững - Nền tảng của sản xuất thông minh trong thời đại số” còn tạo môi trường thúc đẩy sáng tạo, đặc biệt là cho thế hệ trẻ đang theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Các phiên thảo luận song song, khu vực poster sáng tạo và các báo cáo chuyên đề đã mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ, từ tiết kiệm chi phí sản xuất pin, tối ưu hóa xe điện đến việc biến phụ phẩm nông nghiệp thành năng lượng. Hội thảo không chỉ góp phần cập nhật xu hướng công nghệ mà còn hướng tới giải quyết những vấn đề thực tiễn trong sản xuất và đời sống, khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển bền vững.

Ông Uwe Wedler - Tập đoàn GROB khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ tại Hội thảo.

Hội thảo đã diễn ra với nhiều báo cáo chuyên sâu đến từ các chuyên gia quốc tế. Ông Uwe Wedler - Tập đoàn GROB khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trình bày về các phương pháp CNC tiên tiến giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nhà máy thông minh và lĩnh vực di động điện tử. Ông nhấn mạnh vai trò của tự động hóa, công nghệ pin và in 3D kim loại trong tối ưu hóa sản xuất.

Ông Karpukhin Kirill - Trung tâm Nghiên cứu Nhà nước Nga chia sẻ về việc ứng dụng thiết bị mở rộng phạm vi cho xe điện, đặc biệt hữu ích tại các khu vực có thời tiết khắc nghiệt. Ông cũng đưa ra các giải pháp thay thế như năng lượng mặt trời và hydro, mở ra triển vọng giao thông xanh bền vững.

GS Aleksandar Ašonja - Học viện Kinh doanh NoviSad (Serbia) chia sẻ một nghiên cứu độc đáo về việc tận dụng phụ phẩm từ cây nho để sản xuất năng lượng sinh khối, giúp giải quyết bài toán năng lượng và hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

Hội thảo là minh chứng rõ nét cho vai trò của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong việc kết nối tri thức toàn cầu, đóng vai trò tiên phong trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Đây là cầu nối hiệu quả giữa nhà trường với doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng trong tương lai.

Phong Vũ - Hoài Sơn

TAGS :

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)