
Toàn cảnh buổi làm việc.
Đại học Huế đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 75/NQ-HĐĐH ngày 05/11/2021 ban hành Chiến lược phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trong giai đoạn 2021-2026, Đại học Huế đặt kỳ vọng sẽ có từ 20 đến 25 sản phẩm KH&CN được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, đồng thời có cùng số lượng công nghệ và sản phẩm được chuyển giao đạt doanh thu từ 300 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, Nhà trường còn chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và các nhóm nghiên cứu mạnh cấp đại học và cấp quốc gia để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thời gian qua, nhiều dự án và công trình nghiên cứu của Đại học Huế đã được ứng dụng trực tiếp tại địa phương. Một số ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như: xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và sử dụng đất hợp lý tại các xã thuộc huyện A Lưới; chương trình hỗ trợ phân tích mẫu đất dưới tán rừng... Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp đã được áp dụng vào thực tiễn. Những thành quả có thể kể đến là quy trình nhân giống và sinh sản nhân tạo cá Ong Bầu, kỹ thuật sản xuất giống cá Nâu ở đầm phá Tam Giang, hay nghiên cứu sản xuất thức ăn viên cho thủy sản từ ấu trùng ruồi lính đen. Trong giai đoạn 2013-2025, Đại học Huế có hơn 30 hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế, trong đó có 10 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 6 giấy chứng nhận nhãn hiệu và 8 chứng nhận bản quyền tác giả.
Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, số lượng sản phẩm được chuyển giao và thương mại hóa còn tương đối hạn chế so với tiềm lực của Đại học Huế. Một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả này có thể kể đến là do: sự liên kết chưa hiệu quả với doanh nghiệp, mức đầu tư còn hạn chế cho nghiên cứu ứng dụng, cũng như những khó khăn trong chính sách hỗ trợ, định giá sản phẩm và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu tham gia vận hành doanh nghiệp.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đại học Huế luôn đồng hành cùng địa phương, định hướng xây dựng TP Huế thành trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, hướng tới mục tiêu phát triển Đại học Huế trở thành một đại học quốc gia, góp mặt trong top 300 các trường đại học hàng đầu châu Á. Trong tình hình mới, Đại học Huế đang tích cực thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh vai trò của S.T.I.D. Nhà trường cam kết sẽ tham gia đào tạo nhân lực cho lĩnh vực nghiên cứu mới, góp phần xây dựng chuỗi công nghiệp bán dẫn tại địa phương, đồng thời triển khai các trung tâm nghiên cứu về bán dẫn, AI, Internet vạn vật (IoT). Các đề án lớn như khu công nghệ cao, trung tâm dữ liệu AI, khu công nghệ thông tin tập trung và trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đang được đẩy mạnh triển khai.
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Đại học Huế và Sở KH&CN TP Huế đã cùng nhau thảo luận các giải pháp hỗ trợ từ cơ sở vật chất đến chính sách thu hút nhân lực, đồng thời đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp để giải quyết các nhiệm vụ KH&CN cấp thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của TP Huế trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
TXB