
Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố các ứng dụng số phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Hồ Thị Nguyên Thảo đã công bố Quyết định số 119-QĐ/TU ngày 03/07/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển S.T.I.D tỉnh Đắk Lắk với 26 thành viên.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung- Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển S.T.I.D tỉnh Đắk Lắk phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển S.T.I.D tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh: Nghị quyết 57 về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia không chỉ là một văn kiện chỉ đạo mà còn là lời kêu gọi hành động mạnh mẽ cho một cuộc đột phá toàn diện. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI),… đang diễn ra mạnh mẽ, chúng ta phải nhận thức rõ rằng: Không chuyển đổi số, không đổi mới sáng tạo sẽ bị tụt hậu, thậm chí bị loại khỏi cuộc chơi. Vì vậy, việc thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển S.T.I.D của tỉnh là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu cho một “cuộc cách mạng” thật sự trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
Với phương châm 5 thật: Nghĩ thật - Nói thật - Làm thật - Hiệu quả thật - Người dân được thụ hưởng thật\, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng lưu ý 4 nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng “trục chỉ đạo thông suốt” từ tỉnh đến cơ sở; đào tạo “thế hệ lãnh đạo số” với kỹ năng và tư duy chuyển đổi số; phát động phong trào “Mỗi xã một KOL” đưa sản phẩm và hình ảnh địa phương lên không gian số; và đầu tư xây dựng hạ tầng số đồng bộ, phủ sóng 5G đến 100% trung tâm xã, phường trước năm 2030.
Tại Hội nghị, 4 nền tảng số cốt lõi, được xem là bộ công cụ đắc lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh đã được khai trương. Trong đó, nền tảng AI nhằm hỗ trợ người dân tra cứu thông tin, nộp hồ sơ và theo dõi tiến độ giải quyết thủ tục hành chính công; Nền tảng dịch vụ công trực tuyến: giúp người dân tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng thuận tiện; Dashboard điều hành tích hợp nhằm giúp tổng hợp, giám sát và hỗ trợ điều hành nhiệm vụ từ cấp tỉnh đến cấp xã; Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh cộng đồng nhằm phân loại, chuyển tiếp phản ánh của người dân, để xử lý kịp thời. Những nền tảng này vừa là công cụ, vừa là biểu tượng cho quyết tâm xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh Đắk Lắk.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, cùng với các giải pháp về công nghệ, gần 2.100 Tổ Công nghệ số cộng đồng với hơn 12.570 thành viên vẫn được duy trì hoạt động. Mỗi Tổ có tối thiểu 5-6 người gồm có Bí thư Chi bộ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…Tổ Công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp về thực hiện đồng bộ tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia với tài khoản định danh điện tử.
PT