Thứ ba, 15/07/2025 15:32

Chính sách trọng dụng nhân tài khoa học và công nghệ - Nền móng cho bước phát triển đột phá

Chính phủ vừa giao Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xây dựng đề án thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 09/2025. Đây được xem là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Theo đó, đề án sẽ ưu tiên thu hút các chuyên gia đầu ngành, kiến tạo môi trường thuận lợi để nhân tài phát huy năng lực ở những lĩnh vực then chốt như AI, bán dẫn, vật liệu mới. Cùng lúc, Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm nghiên cứu chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực khoa học công nghệ trong và ngoài nước, trước mắt là ban hành Nghị định về học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ chiến lược.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng tham quan triển lãm Ngày khoa học công nghệ Việt Nam năm 2025.

Thực tế, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực KH&CN. Số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm 2024 chỉ có khoảng 9% thí sinh chọn ngành công nghệ kỹ thuật, 12% đăng ký ngành máy tính và công nghệ thông tin.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển S.T.I.D diễn ra ngày 02/07/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chính sách thu hút, trọng dụng chuyên gia đầu ngành. Cần nhanh chóng xác định tiêu chí, chế độ đãi ngộ và cơ chế làm việc riêng cho đội ngũ “kiến trúc sư trưởng” - những người dẫn dắt các sáng kiến đột phá quốc gia, đồng thời đưa nội dung này vào Chiến lược nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, nhân tài chính là chìa khóa để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng nhấn mạnh, trí tuệ chỉ thực sự bùng nổ khi được giao những nhiệm vụ lớn và chính các dự án khó, tầm quốc gia mới có sức hút mạnh mẽ với người tài. Do đó, thay vì chờ đợi, lãnh đạo cần chủ động tìm kiếm, mời gọi, tạo điều kiện để họ đảm trách những nhiệm vụ then chốt. Muốn vậy, Nhà nước phải kiến tạo môi trường rộng mở, cho phép thử nghiệm mô hình mới, chấp nhận rủi ro sáng tạo và tạo không gian để nhân tài thể hiện.

Đoàn giám sát của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ sớm giao một cơ quan chuyên trách quản lý nhân lực chất lượng cao, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, lựa chọn ngành ưu tiên và dự báo nhu cầu lao động chiến lược. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Tạ Văn Hạ cho rằng, bên cạnh đãi ngộ, điều quan trọng là môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, tự do sáng tạo và cơ chế đánh giá công bằng. Những người gánh vác khối lượng công việc lớn mà không được đề bạt sẽ nhanh chóng mất động lực, do đó cần đổi mới cả công tác thi đua khen thưởng để giữ chân nhân tài. Phải có cách tiếp cận toàn diện từ phát hiện, đào tạo đến sử dụng và phát huy người tài, không để họ bị kìm hãm bởi những quy định cứng nhắc hay thủ tục hành chính rườm rà. Đây là bộ phận tinh hoa của đất nước, vốn không nhiều, nên cần có chính sách rõ ràng để ưu tiên thu hút, trước tiên là người Việt trong nước, sau đó đến Việt kiều và chuyên gia quốc tế.

Xuân Bình

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)