Thứ tư, 20/04/2022 14:09

Thừa Thiên Huế - khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế

Hồ Thắng

Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) được tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là một trong những động lực then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo. Trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế, triển khai nhiều nhiệm vụ với những bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động KNĐMST, hướng tới mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh

Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với quan điểm và định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng: bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Trên cơ sở này, việc phát triển các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp trong những lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Nghị quyết số 54 là rất quan trọng, đòi hỏi chính quyền và các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp thiết thực, hiệu quả nhằm thu hút những ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ mọi lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh hỗ trợ các dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ thông tin gắn với xây dựng đô thị thông minh; công nghệ sinh học gắn với nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao trong y dược và phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản mang thương hiệu Huế.

Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa thiên Huế (thứ 3 từ trái sang) phát biểu tại diễn đàn.

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh triển khai sớm Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025* (từ năm 2016 đến nay) và đã có những bước tiến tích cực: hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng và ban hành các chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho khởi nghiệp. Đặc biệt, sau 5 năm triển khai, tỉnh đã chủ động ban hành Đề án “Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, điều chỉnh nội dung đề án phù hợp hơn với tình hình mới và định hướng phát triển của tỉnh, nhằm góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành một trong những trung tâm KNĐMST quốc gia. Đề án Cố đô Khởi nghiệp có mục tiêu tạo lập hệ sinh thái KNĐMST năng động và hiệu quả với sự tham gia, kết nối của các thành tố trong hệ sinh thái; hoàn thiện hệ sinh thái KNĐMST, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động KNĐMST; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới sáng tạo; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp KNĐMST sát với thực tiễn, phù hợp với nguồn lực và điều kiện của tỉnh; tạo lập môi trường thuận lợi, từng bước nâng cao năng lực của các thành phần tham gia hoạt động KNĐMST… Trong năm 2020, hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng của ngành KH&CN gồm: Nghị quyết “Quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030” và Nghị quyết “Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025”. Đây là bước tạo đà quan trọng cho giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 của ngành KH&CN, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng KH&CN, phát triển hệ sinh thái KNĐMST tỉnh. Hướng đi đúng đắn này sẽ góp phần hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, đo lường và phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.

Với những chính sách, kế hoạch kịp thời và thiết thực trên, hoạt động hỗ trợ KNĐMST trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa trên toàn tỉnh. Các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp được kết nối để đồng hành và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ý nghĩa, tạo được nhiều điểm sáng, giúp cổ vũ, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp ở địa phương. Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự là một trong 3 địa phương trên toàn quốc được Chương trình khởi nghiệp Quốc gia chứng nhận đạt danh hiệu Địa phương cống hiến tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp.

3 địa phương được trao giải khởi nghiệp xuất sắc là Cần Thơ, Thừa Thiên Huế và Thái Nguyên.

Trong giai đoạn 2021-2022, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp theo Đề án “Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và bước đầu đạt được một số thành tựu nổi bật:

Về KNĐMST, tỉnh đã xây dựng Cổng thông tin KNĐMST để tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, các sự kiện về khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh...

Về hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: diễn đàn KNĐMST; cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế; các hội nghị tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi KNĐMST cấp tỉnh hằng năm, các lớp tập huấn, bồi dưỡng về KNĐMST… Thông qua các hoạt động này, tỉnh đã nhận được nhiều ý kiến, đề xuất, giải pháp để xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn trong thời gian tới; đồng thời, các hoạt động kết nối đã giúp tăng cường mối liên kết và sự phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền mạnh mẽ đến các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, nhằm khơi dậy và lan tỏa nhanh tinh thần khởi nghiệp.

Về triển khai tổ chức Cuộc thi KNĐMST, tỉnh đã tiếp tục duy trì việc tổ chức Cuộc thi KNĐMST cấp tỉnh. Sau 6 năm triển khai (2016-2021) đã có 265 hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó có 75 dự án được chọn vào vòng chung kết và 44 ý tưởng, dự án có tiềm năng nhất được chọn để trao giải cấp tỉnh, 2 dự án đạt giải nhất cấp vùng Miền Trung và Tây Nguyên, 2 dự án đạt giải ba quốc gia.

Về triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, năm 2021, sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng với Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland ký kết hợp tác thực hiện Đề án “Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Hợp đồng tài trợ kim cương cho Cuộc thi KNĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021. Đây là hoạt động đánh dấu sự phối hợp, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMST. Chương trình hợp tác sẽ góp phần giúp tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được các mục tiêu trong việc xây dựng hệ sinh thái KNĐMST tỉnh theo hướng phát triển toàn diện, phát huy tối đa vai trò, chức năng của các thành tố; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong hệ sinh thái; có độ kết nối cao với các hệ sinh thái trong nước và quốc tế; lấy doanh nghiệp KNĐMST làm trung tâm; nơi phát huy tài năng khởi nghiệp; điểm đến của các quỹ đầu tư, tập đoàn công nghệ; tạo lập môi trường tốt và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp/dự án KNĐMST phát triển nhanh và bền vững.

Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi KNĐMST năm 2021.

Phương hướng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030

Với quan điểm phát triển doanh nghiệp là động lực của tăng trưởng kinh tế xã hội trong Đề án “Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra những mục tiêu cụ thể: phấn đấu 100% ý tưởng, dự án KNĐMST được hỗ trợ thông qua các chính sách và ưu tiên sử dụng các hoạt động hỗ trợ của Trung tâm KNĐMST Thừa Thiên Huế, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Đại học Huế; 50-70% các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh có khả năng thương mại hóa để trở thành động lực quan trọng xây dựng nền kinh tế sáng tạo của tỉnh; khởi nghiệp từ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được nghiệm thu (đặc biệt là các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh); hỗ trợ ít nhất 50 ý tưởng, dự án khởi nghiệp, 25 doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm thương mại hóa được sản phẩm; 100% UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch hỗ trợ hoạt động khởi sự kinh doanh và KNĐMST hằng năm.

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)